Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu thất bại, nhưng để lại dấu son trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Trong nhân dân, nhiều câu ca dao nói về khí phách, chiến công của Bà Triệu được lưu truyền:
"Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi mà coi,
Coi mà Triệu tướng cưỡi voi bành vàng".
Hoặc "Tùng sơn nắng quyện mây trời
Dấu chân bà Triệu rạng ngời sử xanh".
Để tưởng nhớ công lao của nữ tướng Triệu Thị Trinh, người dân lập đền thờ bà tại núi Tùng, nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây không chỉ là nơi ghi dấu ấn lịch sử, văn hóa mà còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, kho tàng các sự tích huyền thoại, ca dao, tục ngữ. Nơi đây cũng còn nhiều cổ vật gìn giữ nguyên bản, như: 10 cuốn thần phả viết bằng chữ Hán, 65 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam, quạt ngà, lược đồi mồi, trâm ngà, long cung sơn son thếp vàng, tượng Bà Triệu bằng đồng...
Hàng năm, lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức từ 21 đến 23/2 âm lịch. Đến năm 2015, đền bà Triệu được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, không chỉ là chứng tích lịch sử, văn hóa mà còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm với kiến trúc nghệ thuật độc đáo.