TS Đinh Thị Thu Hằng (36 tuổi) đang công tác tại Phòng Vi sinh và các mầm bệnh sinh học (Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y) là một trong những thành viên chủ chốt tham gia thực hiện đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới (2019-nCoV)". Chị chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ chỉ trong một tháng phải có sản phẩm chống dịch khiến cả nhóm nghiên cứu "Ăn, ngủ cùng virus".
- Bộ kit thử nCoV được cả nước đang mong chờ từng ngày. Nhận nhiệm vụ chị có cảm thấy áp lực?
- Công việc thường nhật của tôi là nghiên cứu về các mầm bệnh sinh học nên ngay từ khi Vũ Hán (Trung Quốc) xuất hiện những ca bệnh đầu tiên bị tử vong, chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu xem đó là gì. Linh cảm của những người nghiên cứu về mầm bệnh thấy có vấn đề vì nhiệm vụ của chúng tôi liên quan đến công tác dự phòng những mầm bệnh tối nguy hiểm. Nhưng lúc này làm với tâm thế của người làm công tác nghiên cứu dự phòng, dù có xảy ra hay không thì vẫn phải chủ động.
Như hồi dịch Ebola năm 2013-2015, chúng tôi cũng nghiên cứu về virus và tạo kit real-time RT-PCR xác định nhanh virus Ebola. Nhưng rất may Việt Nam không có ca bệnh và sản phẩm kit chưa phải sử dụng.
Đến Covid-19 cũng vậy, một tuần trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự đã họp lại với nhau xác định phải tìm hiểu về virus chủng mới này và tạo Kit thử. Đến cuối tháng 1, bộ Khoa học và Công nghệ mời các chuyên gia họp tư vấn nhiệm vụ, vì tính cấp thiết của dịch, đồng thời số lượng kit chẩn đoán tại Việt Nam lúc này chỉ có mấy chục test. Đến ngày 03/02, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiệm vụ, thông qua đầu bài nghiên cứu, sau đó giao cho Học viện Quân y phối hợp với công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện với thời hạn sau 1 tháng có sản phẩm chống dịch. Lúc này áp lực thực sự.
Chúng tôi đã chạy đua với thời gian. Áp lực trả bài cũng căng nhưng hàng ngày những thông tin về dịch bệnh với tốc độ lây lan khó kiểm soát, sự chờ đợi Kit thử để sớm sàng lọc bệnh nhân khiến chúng tôi không cho phép mình có sai sót.
- Dịch xảy ra cao điểm vào đúng Tết Nguyên đán. Là phụ nữ, chị có gặp khó khăn gì không?
-Tôi rất may mắn được gia đình hậu thuẫn nên chuyện đi sớm về khuya không có gì lạ. Đợt dịch này dường như cả gia đình tôi cũng hiểu mức độ nguy hiểm và tầm quan trọng của việc có Kit thử nên ai cũng hỗ trợ. Hai đứa con của tôi còn nhỏ dù không hiểu rõ câu chuyện, chỉ thấy mẹ dặn dò mọi người trong gia đình cẩn thận, chú trọng hơn trong việc phòng bệnh hàng ngày, nên anh em bảo ban nhau.
Thời gian của tôi cũng như nhiều anh chị em những ngày đó hôm nào về nhà lúc 10h đêm sẽ là về sớm, còn 1 -2 giờ sáng cũng thường xuyên thôi.
- Nhóm làm việc của chị có bao nhiêu người là nữ?
- Tỷ lệ nữ phải chiếm tới gần 60%. Vì đề tài thực hiện có nhiều vòng nghiên cứu khác nhau, từ thí nghiệm, cận lâm sàng, lâm sàng. Riêng vòng trong ở phòng thí nghiệm cần sự tỉ mỉ nên nữ chiếm số đông. Anh em khỏe mạnh nhanh nhẹn thì chạy vòng ngoài. Khi nhiệm vụ đặt lên vai, anh em đều đồng lòng, chia sẻ với nhau mọi việc. Người lo nhiệm vụ kết nối với các phòng thí nghiệm trên thế giới để có thông tin di truyền, phương tiện xác định nCoV, người lo thiết kế các thí nghiệm, người phân tích ARN, người lo hóa chất... Tất cả như guồng máy chạy mà không ai than mệt mỏi.
- Khi làm có lúc nào chị và nhóm nghiên cứu gặp khó khăn, ý định bỏ cuộc không?
- Nói thật lòng là khá nhiều khó khăn. Chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu khi thông tin về nCoV còn khá khiếm tốn so với nhiều mầm bệnh thông thường. Nhóm nghiên cứu đã phải liên hệ với đối tác tại Viện Virus học của Đại học Charite-Berlin, Viện Y học Nhiệt đới Bernhard Nocht, CHLB Đức để có thêm tư vấn, trao đổi về thông tin di truyền, phương tiện xác định 2019- nCoV (lúc bấy giờ) và liên hệ gửi về Việt Nam.
Nhưng chúng tôi đã làm việc với tinh thần của người lính, không cho phép mình nghĩ đến thất bại hay nghĩ là "nghiên cứu được thì tốt, không được cũng không sao". Tinh thần đó khiến tất cả anh em phải tìm mọi con đường. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau, giữ sức khỏe, tăng sức đề kháng để còn chiến đấu, vì không ai bảo ai nhưng dường như đều ý thức rằng, tất cả mới chỉ là trong giai đoạn chuẩn bị. Chuẩn bị thật tốt, chu đáo sẵn sàng cho mọi kịch bản dịch bệnh có thể xảy ra.
Rất may sau đó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy nCoV thành công trên mẫu bệnh phẩm của người bệnh Việt Nam. Kết quả này giúp nhóm nghiên cứu đẩy nhanh hơn quá trình nghiên cứu chế tạo và đánh giá Kit, lại trên chính người bệnh trong nước nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Từ mẫu chứng dương RNA của bệnh nhân tại Việt Nam, chúng tôi nhanh chóng nhân bản trong phòng thí nghiệm. Hàng trăm thí nghiệm được thiết kế. Xong thí nghiệm nào nhóm nghiên cứu đều chia sẻ kết quả song song với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á là đơn vị phối hợp sản xuất. Việc chuyển giao gần như đồng thời để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất sau này.
Đến nửa đầu tháng 2, Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã hoàn thiện quy trình, thiết kế mồi, probe, chứng dương từ nguồn RNA của nCoV. Đến 02/3 sản phẩm kit hoàn thành việc đánh giá tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với nhiều chỉ tiêu được thực hiện đồng thời.
- Là người thực hiện, chị biết rõ kết quả bộ Kit trong phòng thí nghiệm, chị có hồi hộp khi chờ kết quả đánh giá từ một cơ quan thứ ba?
- Có chứ. Dù tôi tin vào kết quả của nhóm nhưng nhiều khi thành công trong phòng thí nghiệm khác với đánh giá trên thực tế. Bằng chứng là bộ Kit của CDC, Hoa Kỳ có nhiều lô bị lỗi phải thu hồi dù trước đó đã thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho kết quả tốt. Vì thế chúng tôi như ngồi trên đống lửa, nín thở chờ kết quả đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm lâm sàng.
- Khi nhận được thông tin thử nghiệm lâm sàng thành công chắn chắn cảm giác vỡ òa, việc đầu tiên chị nghĩ đến là gì?
- Tôi nghĩ là được về quê ngay để thăm các con và người thân. Hơn một tháng kể từ khi các cháu được nghỉ học về quê với ông bà, lần nào gọi điện tôi cũng hứa cuối tuần về thăm các con nhưng chưa thực hiện được.
Anh em khi đó thực sự không biết miêu tả cảm xúc thế nào. Nhiều người âm thầm khóc. Thành công này là sự chờ đợi của biết bao người. Tôi không nhớ các thành viên trong nhóm nghiên cứu có bao nhiêu cuộc gọi của Thủ trưởng Học viện Quân y, các đơn vị quản lý liên quan để hỏi: kết quả thế nào rồi?. Nhiều cuộc gọi có thành viên đã phải lấy hết dũng khí mới dám nghe máy.
Bây giờ thì có thể tạm yên tâm, thực hiện các bước tiếp theo của đề tài vì chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để Kit được hoàn thiện hơn.
Thượng tá PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu y dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài:
Nhóm đã làm việc với tinh thần "chống dịch như chống giặc"
Khi được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ chính thức thực hiện đề tài vào ngày 7/2, trong vòng một tháng, cả nhóm nghiên cứu đã "ăn, ngủ cùng virus", không kể ngày đêm, miệt mài với những nghiên cứu, thử nghiệm. Chúng tôi đã làm việc với tinh thần "chống dịch như chống giặc", chạy đua với thời gian để có sản phẩm góp phần phòng chống Covid-19.
Hiện nay, các bộ kit trong nước và trên thế giới được sản xuất theo quy trình cơ bản giống nhau, nhưng cũng đang thử nghiệm chứ chưa dùng vào thực tế. Chúng tôi chạy đua với thời gian để có thể đưa vào chẩn đoán chính xác bệnh, phục vụ quá trình phát hiện và điều trị bệnh. Kết quả bộ kit của Việt Nam được ra đời với nhiều ưu điểm, tất cả được tích hợp vào một phản ứng multiplex thuận lợi hơn trong thao tác, hạn chế sai sót, rút ngắn thời gian (thời gian phát hiện được tối ưu hóa chỉ hơn một giờ đồng hồ). Cùng một lần chạy được 96 mẫu (so với bộ kit của CDC Hoa Kỳ là 24 mẫu). Đặc biệt, bộ kit có độ ổn định trên các hệ thống máy Real-time khác nhau, ứng dụng được tại nhiều địa bàn trên cả nước có hệ thống máy không cùng chủng loại.