Là cựu học sinh trường THCS chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM), ngay từ cấp 2 Nguyễn Thục Hiền đã cùng bạn mở shop bán quần áo, túi xách. Nữ sinh cho biết, khi bắt đầu kinh doanh cả hai suy nghĩ đơn giản chỉ cần lấy hàng rồi về bán kiếm lời, nhưng khi bắt tay vào đã phát sinh nhiều vấn đề như: làm thế nào để bán được hàng, tính toán chi tiêu thế nào cho phù hợp, chia sẻ lợi nhuận ra sao...
"Đã có lúc bọn em cãi nhau vì không thống nhất quan điểm. Tuy nhiên, lần đầu tiên cầm được tờ tiền do mình làm ra, em có cảm giác lạ lắm. Có lẽ máu kinh doanh thấm vào em từ đó", Hiền cười tươi chia sẻ.
Mê kinh doanh, sau khi tốt nghiệp cấp 3 trường Bùi Thị Xuân, Hiền đã khiến bố mẹ bất ngờ khi chọn ngành Marketing trong khi cả gia đình ai cũng làm bác sĩ. "May mắn lúc đó bố mẹ và anh trai tôn trọng quyết định của em", Hiền tâm sự và cho biết đã mất 2,5 năm để hoàn thành chương trình học tại Đại học RMIT.
Không chịu giới hạn bản thân trong khuôn khổ nhà trường, Hiền chủ động đăng ký tham gia rất nhiều cuộc thi thuộc lĩnh vực của mình, cả trong và ngoài nước. Tại cuộc thi Thử thách Maybank GO Ahead 2015 (do Ngân hàng Maybank của Malaysia phối hợp tổ chức), Hiền được chọn là đại diện của Việt Nam tham gia vòng chung kết tại Malaysia.
Năm 2015, Hiền lọt vào vòng chung kết Hult Prize Global Challenge 2015 - cuộc thi thường niên lớn nhất dành cho sinh viên trên toàn thế giới trong lĩnh vực kinh tế tài chính, do Đại học Hult liên kết tổ chức với quỹ Clinton Global Initiative tổ chức. Giải thưởng có tổng giá trị lên đến một triệu đôla Mỹ.
Lý giải việc tham gia nhiều cuộc thi quốc tế, Hiền cho rằng kinh doanh là ngành khá đặc biệt, nếu chỉ học trong sách vở và trên mạng hay ở trường thì không hiệu quả. Vì vậy, cô chủ động tham gia các cuộc thi để được cọ xát với môi trường thực tế. Ngoài ra việc được làm việc, tranh tài với các bạn sinh viên quốc tế còn giúp Hiền hoàn thiện khả năng tiếng Anh cũng như kỹ năng làm việc trong ngành của mình.
Qua các cuộc thi, cô còn thỏa mãn được đam mê du lịch nước ngoài. Riêng năm nay, nữ sinh đã tham gia các cuộc thi về kinh doanh ở nhiều nước như: Australia, Malaysia, Dubai, Indonesia. "Thi xong, nếu thời hạn visa còn, em sẽ tranh thủ đi du lịch", Hiền chia sẻ và cho biết kiếm được một khoản kha khá từ giải thưởng các cuộc thi. Có lúc nhóm Hiền giành được 25.000 USD Australia từ cuộc thi và Hiền được chia 150 triệu đồng.
Để dung hòa được chương trình học ở trường và các hoạt động bên ngoài, Hiền cho biết phải lên kế hoạch khoa học. Hiền thường đăng ký học thêm nhiều môn, khi đã hoàn thành việc học cô mới đầu tư thời gian cho việc thi. Nữ sinh cũng tự đặt mục tiêu "không xin tiền ba mẹ đóng học phí", nên đã lên kế hoạch học tập chi tiết. Năm kỳ sau đó, Hiền liên tiếp giành học bổng toàn phần của trường với hàng trăm triệu đồng.
Tháng 12 tới mới nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi (3,75/4 điểm), nhưng cô đang làm hồ sơ xin vào làm quản trị viên cho công ty đa quốc gia để học hỏi kinh doanh ở môi trường quốc tế. "Đi làm một vài năm có kinh nghiệm rồi em sẽ học lên thạc sĩ hoặc đứng ra làm kinh doanh. Em muốn kiếm một ít tiền trước khi thực hiện ước mơ của mình thay vì dùng tiền của ba mẹ để kinh doanh", Hiền chia sẻ về dự định.
Nguyễn Loan