Ngày 21/5, năm ngày sau khi nhận bằng tốt nghiệp, Thu Hiền, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, bận rộn với công việc của kỹ sư nghiên cứu phát triển sản phẩm tại một công ty tư nhân trụ sở ở Hà Nội. Hiền nhận việc ngay sau khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp cuối tháng 1 và giành bằng kỹ sư loại xuất sắc.
Quê ở Phú Thọ, Hiền là cựu học sinh chuyên Toán trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Thi đại học đạt 26,5 điểm khối A (Toán, Lý, Hóa), em được gia đình khuyên chọn Đại học Sư phạm hoặc Ngoại thương. Hàng loạt lý do được đưa ra như học các trường đó nhẹ nhàng, nhưng Hiền khi đó chỉ thích học khối ngành Kỹ thuật và Đại học Bách khoa Hà Nội là lựa chọn hàng đầu.
"Lớp 12 em gần như không có chút định hướng nghề nghiệp gì, chỉ thấy hứng thú với môn Hóa học và đạt điểm cao ở kỳ thi đại học. Em nghĩ nên học chuyên sâu một ngành nào đó liên quan đến môn này", Hiền nói. Bất chấp thái độ không mấy hài lòng từ bố mẹ, Hiền đăng ký và trúng tuyển nhóm ngành Hóa - Sinh - Thực phẩm - Môi trường của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Xa nhà từ năm lớp 6 để học trường THCS chuyên ở huyện rồi xuống Hà Nội học THPT, Hiền không bỡ ngỡ khi vào đại học. Năm nhất chỉ học những môn đại cương liên quan nhiều đến Toán, em không gặp khó khăn gì và giành ngay học bổng tài năng của trường - loại học bổng chỉ dành cho khoảng 1% sinh viên có thành tích học tập tốt nhất với điểm tổng kết tối thiểu đạt 3.4/4. Hiền thấy rất hợp với môi trường này và nghĩ không thể chán vì đang học rất tốt.
Thế nhưng cuối năm nhất, Hiền bị khủng hoảng tinh thần vì phải chọn ngành học chuyên sâu. Em đắn đo không biết nên học ngành gì rồi nghĩ đến cả chuyện học trường này có đúng không, ra trường sẽ làm gì và liệu có phù hợp với mình? Hiền bắt đầu so sánh bản thân với các bạn ở trường khác. Họ học ít hơn, năng động hơn lại đi làm từ năm thứ hai nên ra trường có nhiều kinh nghiệm. Đã có lúc, em tưởng tượng nếu đang học trường top đầu khối ngành Kinh tế thì sẽ thế nào?
Những suy nghĩ quẩn quanh khiến Hiền hoang mang. May mắn sau khi nghe tư vấn của thầy cô về việc chọn ngành, biết ra trường có thể làm những việc gì, được lấy ví dụ về công việc của những anh chị đi trước, Hiền dần cân bằng cảm xúc, tìm ra lựa chọn cho mình. Nữ sinh quyết định gắn bó với Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, đặt mục tiêu tốt nghiệp sớm để "không bị chậm quá nhiều" so với các bạn trường khác. Em thường xuyên đăng ký 1-2 môn vào kỳ hè.
Dù đặt mục tiêu như vậy, Hiền không phải tuýp sinh viên học ngày học đêm. Thông thường, sáng học lý thuyết ở trường, chiều học thực hành ở phòng thí nghiệm (lab), tối em không học nữa mà dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa. Em là thành viên Ban truyền thông và sự kiện của Hội Sinh viên trường, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt.
Với Hiền, việc tham gia hoạt động ngoại khóa được duy trì từ những năm THPT ở trường Chuyên Sư phạm bởi em nghĩ nếu chỉ có học sẽ rất nhàm chán và thừa thãi thời gian. "Em được rất nhiều từ các hoạt động, được giải thưởng Sao tháng giêng, danh hiệu Sinh viên 5 tốt, bằng khen của thành phố, được tiếp xúc với nhiều người, học cách chịu áp lực, quản lý thời gian hay xử lý tình huống để tiếp nhận mọi thử thách một cách nhẹ nhàng hơn", Hiền chia sẻ.
Chương trình học ở trường Bách khoa Hà Nội khá nặng với 60% lý thuyết và 40% thực hành nhưng theo Hiền, sinh viên vẫn có nhiều thời gian rảnh để học tập và rèn luyện bên ngoài trường. Em nhận gia sư cho một học sinh suốt bốn năm với 1-3 buổi mỗi tuần và học thêm cả tiếng Nhật dù chưa có mục đích sử dụng cho công việc. Hiện, Hiền có bằng N3 tiếng Nhật và có thể giao tiếp được.
Nữ sinh cũng tận dụng kỳ nghỉ hè để thực tập ở các công ty với công việc hỗ trợ dịch tài liệu Anh - Việt liên quan đến chuyên ngành em đang học. Nó giúp em tăng khả năng ngôn ngữ, tự tin đọc các tài liệu, bài báo khoa học chuyên ngành mà không gặp nhiều khó khăn.
Việc học suôn sẻ, năm nào cũng giành học bổng tài năng của trường, Hiền chọn làm đồ án tốt nghiệp theo dạng nghiên cứu trong phòng lab với thời gian gấp đôi những bạn làm đồ án thông thường.
Làm đề tài nghiên cứu về enzym và quá trình thủy phân dưới sự hướng dẫn của một giảng viên trẻ, Hiền rất hứng thú. Thế nhưng, việc nghiên cứu không phải dễ dàng, có thời điểm em mất 1-2 tháng chỉ để làm đi làm lại một thí nghiệm nhưng vẫn không ra số liệu mong muốn. Hiền đã rất nản nhưng rồi được thầy hiểu, giao cho nghiên cứu một khía cạnh khác tại viện nghiên cứu ở TP HCM. Được tạo điều kiện, nữ sinh lấy lại tinh thần, hoàn thành đồ án với điểm xuất sắc. Sau 4,5 năm học, em đạt điểm tổng kết 3.81/4.
TS Nguyễn Tiến Cường, giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, người hướng dẫn Hiền làm đồ án tốt nghiệp, đánh giá cao sự chủ động của Hiền. "Em rất chịu khó tìm tòi tài liệu tham khảo, chủ động tiến hành thí nghiệm. Với nền tảng kiến thức vững vàng, những câu hỏi về mặt khoa học phần lớn Hiền tự trả lời được", thầy Cường nói.
Ngoài hướng dẫn, qua học phần môn Công nghệ ngũ cốc dạy bằng tiếng Anh ở lớp, thầy Cường nhận thấy khả năng ngoại ngữ của Hiền khi trình bày được các phần kiến thức tiếng Anh trên lớp "dễ hiểu, dễ hình dung". Từ khóa 52 (cách đây 8 khóa), khi trường bắt đầu tính điểm theo tín chỉ, số điểm tổng kết 3.81 của Hiền là cao nhất lịch sử của Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm.
Trong lễ trao bằng tốt nghiệp hôm 16/5, Hiền đại diện cho các tân kỹ sư, cử nhân lên bục phát biểu. Nhìn thấy ánh mắt tự hào của bố mẹ ở bên dưới, em hiểu bố mẹ đã hoàn toàn tin tưởng quyết định chọn ngành cách đây 5 năm của mình.
Hiện, Hiền là kỹ sư nghiên cứu phát triển sản phẩm ở một công ty không quá lớn nhưng em rất hài lòng vì có cơ hội thử sức ở nhiều vị trí chứ không đơn thuần chỉ ở vai trò kỹ sư nghiên cứu. "Em hy vọng được tham gia nhiều khóa tập huấn, đào tạo với chuyên gia nước ngoài trong thời gian tới", cô gái nói.