Nguyễn Linh Chi tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Kỹ thuật môi trường của Đại học Mỏ - Địa chất. Xác định sẽ học thạc sĩ ở nước ngoài, Chi quyết định học tăng môn bắt đầu từ năm thứ hai để không phải du học khi “quá già”.
Thay vì học 6-7 môn mỗi kỳ như các bạn cùng khóa, em đăng ký học 10 môn mỗi kỳ suốt ba năm qua và ra trường sớm một năm đúng như kế hoạch. Bất ngờ hơn, cô gái sinh năm 1995 trở thành thủ khoa tốt nghiệp của trường.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hơn 40 năm theo ngành Mỏ - Địa Chất, Chi lựa chọn trường Mỏ, ngôi trường tưởng chừng chỉ hợp với nam sinh, để gắn bó. Em đăng ký ngành kỹ thuật môi trường vì cho rằng nó mới, nhiều cơ hội nghề nghiệp.
“Quá trình học, em được tìm hiểu cách thiết kế hệ thống xử lý nước, biến đổi các chất trong nước, khí và đất. Việc học không chỉ diễn ra trên lớp mà còn trong phòng thí nghiệm và các nhà máy. Với con gái, những công việc này có phần hơi nặng nhưng làm mãi thành quen và đã yêu rồi sẽ thấy dễ”, Chi nói.
Để tốt nghiệp sớm một năm với số điểm 3.8/4.0, Chi phải tự học rất nhiều. Em có thói quen ghi âm lại tất cả bài giảng của thầy cô trên lớp. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, em dành 1-2 tiếng nghe lại. Vào những buổi không có tiết học, Chi thường lên thư viện đọc sách chuyên ngành để mở rộng kiến thức. Em sử dụng cách học bằng sơ đồ tư duy (Mind Map) để ghi nhớ lâu hơn.
Nhờ đó, dù mỗi kỳ phải thi đến 10 môn, Chi không bị quá tải và vẫn có thời gian tham gia nghiên cứu khoa học. Em đã hoàn thành hai đề tài cấp trường về thiết kế hệ thống sinh học làm bằng mùn cưa để khử kẽm và đồng trong nước thải mỏ và dùng ảnh viễn thám, số liệu đo mưa vệ tinh nhằm nghiên cứu mức độ trượt lở ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).
Ngoài học tập, Chi còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện và tỏ ra là sinh viên tài năng khi lọt vào Top 5 Miss trường và giải nhì hát đơn ca trong hội thi văn nghệ sinh viên.
Chi từng học tiếng Hàn và nhận được học bổng học tiếng một năm ở Seoul. Tuy nhiên, em quyết định bỏ qua học bổng này để tập trung cho việc học ở trường. Năm cuối đại học, Chi làm thêm trợ giảng ở trung tâm tiếng Anh và bắt đầu học tiếng Nhật với hy vọng được du học tại đất nước này.
Hè năm ngoái, Chi có cơ hội sang Nhật Bản tham gia chương trình Summer Trip do Chính phủ Nhật tổ chức. Nhờ sự giúp đỡ của chị gái, em được gặp gỡ một giáo sư của Đại học Kumamoto. Giữ liên lạc và trao đổi với thầy suốt một năm qua, Chi được thầy nhận hướng dẫn đề tài thạc sĩ. Em sẽ nhập học chuyên ngành Nước ngầm của trường vào tháng 4/2018.
Song song với việc liên hệ giáo sư, Chi đã nộp đơn xin học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Trường hợp không được cấp học bổng, cô gái Hà Nội vẫn sang Nhật học theo đúng kế hoạch. Em dự định làm thêm 4 tiếng mỗi ngày theo quy định để có thêm tiền đóng học phí.
Nhìn vào kết quả học tập của Chi ở bậc đại học, không ai nghĩ cô gái này từng có một năm “chơi bời hết nấc". “Sau một lần làm hộ bài kiểm tra cho bạn năm lớp 8, em bị đình chỉ học mấy ngày. Chán nản, em bắt đầu bỏ bê việc học, giao du với mấy anh chị ngoài trường”, Chi nhớ lại và cho biết nhờ sự khuyên bảo của bố mẹ, lớp 9 em đã quay lại học hành tử tế và quyết tâm thi đỗ đại học để trở thành giáo viên như ước mơ từ nhỏ.
Hiện tại, trong thời gian chờ nhập học ở Nhật, Chi không tìm kiếm một công việc lâu dài mà chỉ dạy thêm ở trung tâm tiếng Anh cho thiếu nhi và dành thời gian để học tiếng Nhật, đọc sách chuyên ngành bằng tiếng Anh, học các phần mềm ứng dụng phục vụ cho ngành học.
“Sau khi trở về từ Nhật Bản, em sẽ ứng tuyển vị trí giảng viên của Đại học Mỏ -Địa chất. Em đẩy nhanh việc học đại học và liên hệ giáo sư ở Nhật cho việc học thạc sĩ cùng nhằm thực hiện ước mơ này”, Chi nói.
Cô Hoàng Thu Trang, giảng viên Đại học Mỏ - Địa chất, đánh giá Chi là một phó bí thư liên chi đoàn tích cực. "Chi biết cách sắp xếp thời gian, luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể và cố gắng tìm tòi để đạt được mục tiêu đó. Cách làm này giúp em vừa hoàn thành tốt cả việc học và rèn luyện ở trường", cô Trang chia sẻ.