Cựu Kumari Matina Shakya đến trường. Video: AFP.
Matina Shakya chỉ ba tuổi khi em bị tách khỏi gia đình năm 2008 để trở thành "nữ thần sống" Kumari, được thờ phụng trong cung điện ở thủ đô lịch sử của Nepal với vai trò là hiện thân của nữ thần Taleju trong Hindu giáo. Ngày 9/10, em bắt đầu đi học sau khi kết thúc 9 năm "trị vì", theo AFP.
Khoác lên người đồng phục nữ sinh và chùi đi lớp trang điểm đậm từng tô trên mặt, Shakya, 12 tuổi, trông như bao học sinh khác khi cô bé bước chân vào trường Green Peace ở thủ đô Kathmandu.
Bạn bè và giáo viên đã tụ tập ở bên ngoài từ trước để chào đón Shakya. Hình ảnh họ chơi nhạc và vẫy cờ gợi nhớ quãng thời gian em được đám đông sùng bái ngày còn là nữ thần Kumari. Tháng trước, bé Trishna Shakya ba tuổi đã thay Shakya đảm nhận trọng trách này.
"Chúng tôi rất hào hứng chào đón cô bé ở đây, chúng tôi đang bàn cách dạy cô bé và giúp em thích nghi với môi trường mới", hiệu trưởng Pema Yonjan cho biết.
Trong nhiều thế kỷ qua, "nữ thần sống" Kumari là một bé gái chưa bước vào tuổi dậy thì, được chọn đưa vào sống trong cung điện ở trung tâm Kathmandu. Mỗi năm, Kumari chỉ rời cung điện 13 lần vào các ngày lễ đặc biệt trước sự chào đón của đám đông.
Trước khi bé gái giữ vị trí "nữ thần sống" bước vào tuổi dậy thì, vai trò Kumari được chuyển sang bé gái khác. Tuy nhiên, cuộc sống biệt lập trong nhiều năm khiến hầu hết các cựu Kumari gặp khó khăn khi trở lại cuộc sống đời thường.
Do quy định di chuyển, các Kumari không thể đến trường. Nhưng Shakya may mắn hơn khi được học trong cung điện sau khi Tòa Tối cao Nepal năm 2008 ra phán quyết các "nữ thần sống" nên được học hành.
Bố của Shakya, ông Pratap Man Shakya, tin con gái có thể thích nghi với cuộc sống mới. "Chúng tôi hy vọng con bé sẽ đi học trong một môi trường tốt và thậm chí trở thành một học sinh giỏi nữa", ông nói.
Kumari bắt nguồn từ một từ trong tiếng Phạn có nghĩa là công chúa. Truyền thống chọn Kumari hình thành trong cộng đồng người Newar, những cư dân bản địa của Thung lũng Kathmandu và kết hợp các yếu tố của Hindu giáo và Phật giáo.
Các nữ thần Kumari quan trọng nhất là những nữ thần đại diện cho ba cựu vương quốc từng hiện diện trong thung lũng: Kathmandu, Patan và Bhaktapur. Dù có mối liên hệ chặt chẽ với hoàng tộc, truyền thống chọn Kumari này vẫn tiếp tục diễn ra sau sự chấm dứt của hoàng gia Hindu ở Nepal năm 2008.
Trước đây, các nhà hoạt động bảo vệ quyền trẻ em thường chỉ trích truyền thống này. Họ cho rằng cuộc sống của Kumari tước đoạt tuổi thơ của các bé gái và ngăn cản đứa trẻ học hành và phát triển.
Vũ Phong