Anna Anh Thy cùng tỷ phú người Phần Lan Peter Vesterbacka - Chủ tịch của tổ chức giáo dục Finest Future tham gia chương trình và lập thành Đội Đỏ. Ngày 22/10 tới, Đội Đỏ sẽ tham gia sự kiện công chiếu Cuộc đua kỳ thú Phần Lan (Amazing Race Suomi) tại TP HCM. Đây là bản phát sóng đầu tiên của Phần Lan trong chương trình trò chơi phiêu lưu Amazing Race.
Sự kiện công chiếu mở cho mọi đối tượng, diễn ra tại khách sạn New World Hotel (quận 1, TP HCM. Đây cũng là địa điểm nơi đoàn làm phim Amazing Race chọn làm nơi lưu trú trong thời gian ghi hình vào tháng 7.
Trò chơi này theo chân các đội gồm hai thành viên chạy đua vòng quanh thế giới để hoàn thành thử thách có yêu cầu cao về thể chất và tinh thần. Giải thưởng của chương trình có tổng trị giá 30.000 euro cho người thắng cuộc.
Anh Thy là cựu học sinh Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM). Không chỉ năng nổ khi còn ở Việt Nam, đến Phần Lan học tập, nữ sinh đã tự tìm kiếm, nắm bắt nhiều cách phát triển bản thân và tích lũy những trải nghiệm ít du học sinh có được, trong đó có cơ hội tham gia Cuộc đua kỳ thú.
Em bắt đầu du học Phần Lan từ năm 2021, ngay sau khi kết thúc chương trình học lớp 10 tại Việt Nam. Anh Thy đăng ký chương trình kết nối học sinh toàn cầu đến nước này học THPT miễn phí của Finest Future và hoàn thành thi trình độ B1 tiếng Phần Lan.
Trước khi đến đất nước khác học tập, Anh Thy có hồ sơ học tập và hoạt động với nhiều thành tích như giải Nhất học sinh giỏi cấp thành phố môn Ngữ Văn năm lớp 9; Giải Nhất, Nhì Khoa học kỹ thuật cấp trường hai năm liên tiếp; giải Ba Phụ trách sao giỏi cấp quận; huy chương Vàng bóng rổ cấp thành phố 2017-2018...
Tới Phần Lan, Anh Thy tiếp tục trở thành học sinh xuất sắc của Trường trung học Mäntän Lukio; Trưởng nhóm đại diện nước thành viên của Thượng nghị viện trẻ châu Âu (European Youth Parliament - EYP); Trưởng ban tổ chức của hội nghị cấp khu vực của EYP Finland ở TP Tampere; Trưởng nhóm tình nguyện viên của sự kiện khởi nghiệp toàn cầu SLUSH 2022... Du học sinh sinh năm 2005 còn giành giải Nhất cuộc thi nhảy Moves Like Summeri của đài truyền hình Phần Lan YLE năm 2022.
Nữ sinh chia sẻ, em được gia đình định hướng, trang bị kỹ năng mềm từ nhỏ để sẵn sàng đi du học. Tuy nhiên, khi đến một đất nước mới, Anh Thy vẫn gặp cú sốc văn hóa khá lớn. Cô gái trẻ là người hướng ngoại, cởi mở và điều này trái ngược với số đông nơi bản thân đang ở. Vì vậy, em bị hoài nghi và khó hòa nhập.
"Em đã gọi điện cho chị Bambi Đặng - CEO Finest Future và xin lời khuyên vì chị là người có tính cách tương tự và trải nghiệm giống em. Từ đó, em có góc nhìn và phương án giải quyết tốt hơn", Anh Thy kể lại.
Anh Thy chia sẻ, thời gian mới qua, em đã mắc sai lầm khi đổ lỗi cho môi trường không nhộn nhịp, con người không cởi mở, văn hóa ở đây không phù hợp. Sau đó, em nhận ra, vấn đề cốt lõi là bản thân em phải thay đổi cách tương tác và đón tiếp họ bởi em là người du nhập vào môi trường này.
Từ đó, Anh Thy thay đổi cách nghĩ, chủ động hơn trong việc chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt văn hóa. Em vẫn giữ giá trị của bản thân là một người con gái Việt, không chỉnh theo tiêu chuẩn của Phần Lan nhưng vẫn tạo nên sự cân bằng để phát triển bản thân tốt hơn.
"Chúng ta có thể chủ động thay đổi từ tư duy với phương châm 'tại sao mình tới đây, muốn gì ở đây và thực hiện điều đó. Bởi em muốn phát triển ở đây, trải nghiệm văn hóa, do đó, thay vì tìm kiếm một người Việt dễ giao tiếp, em kết bạn với người bản xứ, tìm hiểu và yêu quý con người đó", Anh Thy chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, nữ sinh sinh năm 2005 thường xuyên cùng Peter Vesterbacka và Bambi Đặng tham gia các sự kiện đa lĩnh vực để mở rộng mạng lưới quan hệ, phát triển mục tiêu khởi nghiệp của mình.
Trước khi có trải nghiệm tại Cuộc đua kỳ thú 2023, năm 2022, Anh Thy được giới thiệu đến sự kiện khởi nghiệp lớn toàn cầu do Peter sáng lập - SLUSH. Em đã tới, gặp gỡ và có nhiều mối quan hệ hữu dụng cho quá trình công việc sau này, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp, nguồn cảm hứng sáng tạo, mở ra nhiều ý tưởng cho dự án riêng.
"Ai cũng có thể tìm kiếm cơ hội phù hợp, không nhất thiết là khởi nghiệp. Nếu thích chơi thể thao, bạn có thể tham gia các câu lạc bộ. Như vậy, chúng ta cũng có thêm trải nghiệm và bạn bè mới", Anh Thy khẳng định.
Đây cũng là những điều nữ sinh Việt học được nhờ giáo dục Phần Lan. Các trường học tại đây đề cao sự công bằng và tự chủ. Học sinh ở các thành phố khác nhau đều hưởng chất lượng giáo dục tương đương, được phép tự chọn môn học thêm, không giao nhiều bài tập và không bắt buộc phải học toàn bộ khóa học môn bản thân không thích.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả học tập tốt nhất, học sinh cần có ý thức hoàn thành bài tập đầy đủ hơn. Theo Anh Thy, đây là cách giáo dục tại Phần Lan rèn cho các bạn trẻ trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Trong sự kiện công chiếu Cuộc đua kỳ thú tại TP HCM sắp tới, Anna Anh Thy sẽ chia sẻ thêm về hành trình du học, cơ hội, giá trị của giáo dục Phần Lan..., bên cạnh những trải nghiệm tại chương trình Cuộc đua kỳ thú. Chương trình cũng có sự góp mặt của đồng đội Peter Vesterbacka và Bambi Đặng, hai người đồng hành cùng em trong suốt quá trình học tập và phát triển bản thân ở đất nước này.
Bambi Đặng sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nghệ An. Cô từng suýt thất học vì hoàn cảnh gia đình. Sau nhiều nỗ lực và quyết tâm theo đuổi đam mê, cô tìm cách đi du học Phần Lan và thành công tạo dựng sự nghiệp, giúp đỡ nhiều bạn trẻ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tiếp cận với nền giáo dục chất lượng của Phần Lan.
Ông Peter Vesterbacka là tỷ phú người Phần Lan, đồng sáng lập tựa game nổi tiếng Angry Birds. Ông cũng là chuyên gia khởi nghiệp có tiếng tại nước này.
Nhật Lệ - Thy An
Công ty Finest Future (Phần Lan) có văn phòng đại diện tại TP HCM, được sáng lập bởi Bambi Đặng và ông Peter Vesterbacka.