Cô gái 18 tuổi mới bước chân lên thành phố lập tức bị thu hút và gọi vào số điện thoại ghi trên tờ quảng cáo, khi tiền trong ví sắp cạn.
Sau một tuần, vượt qua cuộc kiểm tra sức khỏe và tiêm thuốc rụng trứng, Lý Hồng chính thức bước vào "cánh cửa ma quái", theo cách cô ví von. Hai ngày sau, một cặp vợ chồng hiếm muộn ở Vũ Hán đến tìm gặp Lý và đưa cho cô tiền đặt cọc 20.000 tệ. Người trung gian nói rằng cô sẽ nhận thêm 130.000 tệ nữa sau khi việc lấy trứng hoàn thành. Điều này có nghĩa trứng của cô sinh viên này có giá 150.000 tệ (khoảng 570 triệu đồng).
"Hàng tháng bố mẹ chỉ gửi cho tôi 3.500 tệ (hơn 13 triệu đồng). Số tiền này không đủ chi trả cuộc sống nên buộc tôi phải làm thêm", cô gái lý giải vì sao đi bán trứng.
Lý Hồng bắt chuyến tàu cao tốc đến Vũ Hán, nơi cô nhận được hàng trăm nghìn tệ trong cuộc giao dịch cuối cùng. Toàn bộ quá trình lấy trứng chỉ mất mười phút. "Có thể nói việc kiếm tiền này khá dễ dàng và đơn giản. Việc làm này còn ít tổn hại hơn là phải đi phá thai với bạn trai", cô nói.
Theo những gì cô gái 18 tuổi kể lại, cô được đưa đến một bệnh viện tư nhân để siêu âm. Sau đó được tiêm HCG (Human Chorionic Gonadotropin, được sử dụng như một phần hỗ trợ để làm tăng hiệu quả của quá trình điều trị hiếm muộn ở nữ giới). Một ngày sau, Lý cùng với một vài cô gái trẻ được đưa lên một chiếc ôtô, bịt kín mắt và đến một nơi gọi là "Phòng phẫu thuật". Tại đây Lý được đưa lên bàn phẫu thuật, một người nhanh chóng gây tê, một người dùng cây gậy dài khoảng 35cm để chọc hút trứng. Mười phút sau, công việc hoàn thành. Trong quá trình làm thủ thuật, cô hoàn toàn tỉnh táo vì không được gây mê. Trứng lấy trong ngày sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người đàn ông mua trứng. Nếu mọi việc suôn sẻ, phôi thai sẽ được đưa vào tử cung của người mang thai hộ.
Lý sau đó được đưa sang phòng khác nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng rồi được về nhà. Cô không quan tâm đến việc phẫu thuật có gây hại cho cơ thể hay không, mà hỏi người môi giới: "Khi nào đến lần lấy trứng tiếp theo?" Điều này có ý nghĩa quan trọng với Lý bởi cô có thể kiếm tiền dễ dàng mà không phải lao động nặng nhọc. Sau khi lấy được tiền, cô gái trẻ đã sắm chiếc điện thoại iPhone 12 và một máy tính xách tay, đồng thời chi 10.000 tệ mua quần áo đẹp.
Vài tháng sau, khi đã trở thành người môi giới, Lý Hồng mới hiểu vì cô có ngoại hình đẹp, trình độ học vấn cao nên trứng của mình có giá cao ngất ngưởng như vậy. "Đó là nhu cầu lớn từ những người muốn mua trứng. Suy cho cùng ai cũng mong con mình được thừa hưởng gen chất lượng cao", cô nói.
Trải qua lần bán trứng đầu tiên, Lý chính thức gia nhập đội ngũ chuyên "săn" nữ sinh tại các trường đại học để môi giới bán trứng. Đối tượng nhắm vào là những cô gái đang vay nợ nhiều, trình độ càng cao trứng càng được giá. Lý cho biết, cô đã trở thành đại lý cấp 2 và được hưởng hoa hồng trên mỗi trường hợp giao dịch thành công.
Từ một người bán, nữ sinh viên năm nhất đã trở thành mắt xích của một trong những đường dây mua bán này của Trung Quốc.
Giám đốc bệnh viện phụ sản thuộc Trường Đại học Y Chiết Giang, Châu Y Mẫn cho hay, thủ thuật lấy trứng không đúng quy trình có thể gây tổn thương tử cung, bàng quang, ruột, mạch máu và các cấu trúc vùng chậu khác xung quanh buồng trứng. Ngoài ra, phụ nữ sau phẫu thuật lấy trứng cũng có thể bị tổn thương buồng trứng cấp tính, chảy máu, nhiễm trùng, nghiêm trọng hơn là vô sinh. Nhiều sinh viên từng bán trứng kể lại rằng họ phải trải qua quá trình không gây tê, đau đớn tột cùng, "Điều này rất có thể gây sốc ngừng tim ngay trên bàn mổ", bác sĩ Châu nói.
Giá bán trứng của nữ sinh đại học tại Trung Quốc được xác định bởi độ tuổi, trình độ cũng như ngoại hình. Sinh viên cao đẳng có giá 50-80.000 tệ (190-304 triệu đồng), sinh viên đại học cao hơn từ 100.000 đến 150.000 tệ (tương đương 380-570 triệu đồng), còn sinh viên theo học tại những trường đại học trọng điểm hoặc thuộc top trường tốt của Trung Quốc giá cao hơn nữa. Một số công ty môi giới còn khuyến khích các nữ sinh rủ thêm bạn học kiếm phí giới thiệu từ 3.000-5.000 tệ (11-19 triệu đồng) cho một trường hợp thành công.
Luật pháp Trung Quốc cấm hành vi bán trứng nhưng một người phụ nữ được hiến tặng tối đa ba lần. Các cơ sở y tế cũng bị cấm thực hiện các ca mang thai hộ.
Tuy nhiên do nhu cầu tăng, thị trường chợ đen phát triển mạnh. Báo cáo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2019 cho biết ở Trung Quốc có khoảng 2.700 ca vô sinh trong tổng số 100.000 phụ nữ. Trong khi đó, thống kê chính thức của Hiệp hội dân số nước này ước tính, tỷ lệ hiếm muộn của các cặp vợ chồng dao động từ 10-15%, tăng từ mức 3% vào 20 năm trước.
Lưu Trường Thu - giáo sư Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải cho biết, sở dĩ việc bán trứng bị cấm do liên quan đến việc di truyền gene của con người. "Nếu một người bán trứng khắp nơi, có thể sinh ra nhiều đứa con mà bản thân họ không hay biết. Những đứa trẻ này được nuôi dưỡng bởi những gia đình khác nhau, nhưng gen huyết thống lại đến cùng từ một người mẹ và rất có thể xảy ra hôn nhân cùng huyết thống", vị này nói.
Ông Lưu cũng lên án những sinh viên dù biết hậu quả của việc mua bán trứng những vẫn lao vào vì tiền. Theo vị này, giới trẻ Trung Quốc ngày nay đang phát triển một khái niệm gọi là "tiêu dùng tiên tiến". Theo cách tiêu dùng này, sinh hoạt phí từ 3.000 đến 4.000 tệ một tháng thường không đủ.
"Một khi vào đại học, quần áo và giày dép thay mỗi mùa, tiệc tối thường xuyên, các chuyến du lịch và tụ tập karaoke chiếm phần lớn sinh hoạt phí. Bởi vậy để kiếm thêm, nhiều nữ sinh đã chấp nhận bán trứng như một hình thức kiếm tiền mà không lường trước rủi ro có thể xảy ra", ông nói.
Vy Trang (Theo qq,163)