Ít ai biết "cô giáo Hà Nội" trên ngoài 40 tuổi với hơn 20 năm đứng trên bục giảng. Chị đang dạy ngữ văn ở THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, TP HCM và tên của chị đã khá quen thuộc trong "làng giáo" thành phố.
Trẻ trung nhờ "làm bạn" với học trò mỗi ngày. Ảnh: S.T. |
Nữ nhà giáo này không chỉ đam mê với các giờ giảng mà còn kịp hoàn thành chương trình đào tạo thạc sỹ văn học, cử nhân chính trị và những khóa học về cán bộ quản lý, nghiệp vụ báo chí, kỹ năng dẫn chương trình… Tự nhận là người may mắn vì được tạo điều kiện học nâng cao, nhưng chị cũng cho rằng, để rèn luyện bản thân và bản lĩnh nghề nghiệp, điều tiên quyết vẫn là ý chí tự phấn đấu. Các thày, cô giáo có thể thành “thợ dạy”, nếu không thường xuyên tự học và đổi mới phương pháp giảng dạy.
“Tôi rất buồn vì đây đó có đồng nghiệp không giữ được tư cách người thày hoặc tự biến mình thành những thợ dạy, khiến xã hội giảm sút lòng tin”, chị Hạnh trăn trở.
Cũng theo chị, không giáo viên nào muốn thành "thợ dạy" song nhiều người đang gặp khó khăn khi phải sắp xếp giờ đứng lớp - học nâng cao chuyên môn và chịu áp lực công việc cao, trong khi điều kiện đãi ngộ chưa thực sự thỏa đáng. “Giáo viên đang kiêm nhiệm, ôm đồm quá nhiều việc mang tính hành chính. Ngành giáo dục nên nghiên cứu giảm bớt áp lực này để chúng tôi có thời gian tập trung cho chuyên môn hơn”, chị đề xuất.
Mỹ Hạnh vốn là nữ sinh gốc Hà Nội, đạt giải học sinh giỏi văn toàn quốc và được tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm I năm 1979. Nhưng chị theo gia đình chuyển vào sống và học tại TP HCM.
"Tôi yêu trẻ, yêu văn học từ nhỏ. Văn học là nhân học nên tôi chọn nghề giáo để có cơ hội truyền lại những cảm nhận nhân văn đó", chị Hạnh tâm sự.
Tốt nghiệp ĐH, chị tình nguyện nhận công tác ở các trường vùng sâu vùng xa như THPT Trà Cú, Cầu Kè tỉnh Trà Vinh. Thời gian dạy ở đây để lại nhiều dấu ấn khó phai trong ký ức của cô giáo mới ra trường ngày ấy.
“Đó là những ngày tháng gian khổ, khó khăn chung của cả đất nước. Giáo viên chúng tôi ở những dãy nhà tập thể ghép bằng tranh tre nứa, phải đối mặt với những trận sốt rét tái người. Nhưng tình đồng nghiệp, tấm lòng của người dân và tình thày trò ở mảnh đất đó đã tiếp thêm tình yêu nghề cho tôi”, chị tâm sự.
Chị được điều chuyển về THPT Trần Khai Nguyên và gắn bó với ngôi trường này gần 20 năm. Nói về cô giáo này, không ít học sinh của trường bày tỏ cảm mến về một giọng giảng văn "đậm chất" Bắc, dịu dàng, truyền cảm trên bục giảng và cũng rất gần gũi học sinh, sôi nổi trong vai trò trợ lý thanh niên trường.
Những nỗ lực, tâm huyết với nghề, với học trò của chị Hạnh còn được ghi nhận bởi loạt huy chương, bằng khen của các cấp, ngành, không riêng ngành giáo dục.
Những giây phút đầm ấm bên gia đình. Ảnh: L.H. |
Đã là người dân phương Nam hàng chục năm song chị vẫn nguyên vẹn vẻ duyên dáng, ý nhị của người phụ nữ gốc Tràng An. Lúc rảnh rỗi, chị dành thời gian đi thăm cha mẹ, trò chuyện với em gái, hoặc giản dị là được ngồi xem ti vi cùng các con, nấu những món ăn cả nhà cùng thích
“Điểm tựa của tôi là gia đình, đặc biệt là chồng tôi. Anh luôn ủng hộ tôi tham gia các khóa học nâng cao trình độ, nhường vợ đi học trước khi có cơ hội, chia sẻ việc nhà, đưa đón con đi học”, chị nói với ánh mắt ngời hạnh phúc.
Anh Trần Minh Đức, chồng chị Hạnh là kỹ sư giao thông. Hai con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi, đạt những giải cao trong các cuộc thi Anh văn, thể thao cấp thành phố và rất yêu nghề giáo của mẹ.
Lan Hương