Một ngày giữa tháng 5, khi đang làm việc ở vị trí quản lý sản xuất tại Công ty Samsung Electronics Thái Nguyên, Nguyễn Phương Linh (23 tuổi, quê Phú Thọ) bất ngờ nhận được cuộc điện thoại chúc mừng từ trường. Em là một trong 18 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được trường khen thưởng năm nay nhờ đạt điểm tổng kết 3.61/4 và rèn luyện 84/100.
"Em đã rất vui khi biết được trường khen thưởng. Từ khi bước chân vào trường, em chưa bao giờ nghĩ sẽ tốt nghiệp xuất sắc, lại sớm một kỳ như này bởi nhiều anh chị đã cảnh báo con gái học Cơ điện tử sẽ rất khó khăn", Linh nói. Có lẽ với nhiều người, lựa chọn của Linh ngược đời.
Bố mẹ làm nông, thu nhập không ổn định nên ngay từ khi chọn trường đại học, Linh đã nhắm đến những trường hỗ trợ học phí tốt. Là học sinh giỏi Toán, lại thích những ngành liên quan đến kỹ thuật, ban đầu Linh và cả nhà nhắm đến Học viện Kỹ thuật quân sự và Đại học Sư phạm Hà Nội - những trường được hỗ trợ học phí. Thế nhưng với số điểm 26,7 khối A, Linh không tự tin đặt nguyện vọng vào trường quân đội. Giữa lúc đó, thông tin một số tỉnh thành cắt giảm hàng trăm biên chế giáo viên khiến gia đình em sợ khó xin việc khi ra trường.
Chưa tìm hiểu nhiều về các ngành, chỉ quan tâm học trường nào có danh tiếng tốt, hỗ trợ học phí cao, Linh quyết định chọn Bách khoa, ngôi trường được mệnh danh dành cho "con nhà nghèo học giỏi". Em đăng ký vào hai ngành Kỹ thuật cơ điện tử và Công nghệ thực phẩm. Không hiểu rõ cơ chế xét tuyển, Linh viết tên hai ngành mà không tính toán, trong đó ngành Kỹ thuật cơ điện tử đặt đầu tiên và trúng tuyển.
"Có lẽ em không chọn ngành nhưng ngành chọn em. Vì vậy, khi nhiều người nói con gái học ngành này khó khăn, em vẫn quyết định sẽ yêu thích", Linh chia sẻ.
Vào buổi học đầu tiên, ngồi giữa giảng đường với khoảng 200 sinh viên ngành Kỹ thuật cơ điện tử, Linh giật mình nhận ra mình là nữ sinh duy nhất. Có chút hoảng nhưng đã quyết định yêu thích ngành này thì phải học hành cẩn thận, Linh nghĩ vậy và tự nhủ không được để thua kém các bạn nam.
Bước vào kỳ đầu tiên, Linh thấm thía những chia sẻ của anh chị đi trước. Dù từng giành giải nhì môn Toán cấp tỉnh khi còn học THPT, nữ sinh vẫn "choáng váng" trước khối kiến thức khổng lồ cần dung nạp ở các môn như Giải tích, Đại số cùng rất nhiều môn đại cương thiên về xã hội.
Giai đoạn đó, Linh cũng khó làm thân với các bạn trong lớp bởi toàn là nam, lại chưa có phương pháp học tập tốt. Điều này dẫn đến kết thúc kỳ I, điểm tổng kết chỉ đạt mức 3.07. Đổi lại, Linh tham gia nhiều hoạt động Đoàn - Hội, là Bí thư Đoàn lớp, ủy viên Ban phong trào tình nguyện của Hội Sinh viên trường và là Đội phó Đội sinh viên tình nguyện đồng hương Phú Thọ tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Những hoạt động này giúp Linh biết cách hòa đồng hơn với mọi người và dần biết cách kết nối với các bạn nam trong lớp.
Đến năm hai, bắt đầu phải học các môn chuyên ngành như Đồ họa, Sức bền, Cơ học, Điện, Linh phải dùng đến hai từ "sấp mặt" để mô tả. Ngành học yêu cầu học rất nhiều môn liên quan Toán và Lý, trong khi Lý là môn yếu nhất hồi cấp 3 khiến Linh "sợ vô cùng".
Như môn Vật lý ở đầu năm hai, cứ vào tiết là Linh run và sợ thầy gọi lên bảng chữa bài bởi thường xuyên không hiểu trọn vẹn bài giảng. Vì thầy gọi theo danh sách từ trên xuống dưới, Linh phải tính toán trước xem mình sẽ bị gọi vào hôm nào. May mắn Linh đã quen thân với nhiều bạn trong lớp, có nhóm học tập chung nên được giúp đỡ. Gặp bài khó, nữ sinh nhờ các bạn phụ đạo thêm. Học cùng bạn bớt áp lực, Linh tiếp thu được tốt hơn và dần bớt sợ Vật lý.
Cũng từ việc áp dụng "học thầy không tày học bạn", Linh tìm ra được phương pháp học hiệu quả. Nhóm học tập của Linh thường xuyên lên thư viện cùng nhau, làm đề cương mỗi khi kỳ thi gần tới rồi vẽ sơ đồ tư duy. Từ đó, điểm của Linh dần cải thiện, giúp em giành nhiều học bổng từ trường và doanh nghiệp.
Không chỉ những môn trên lớp, với những môn thực tập ở xưởng, Linh cũng tỏ ra không thua kém gì các bạn. Cũng phải mài sắt đến phồng cả tay, đội mũ, đeo kính hàn và cầm que hàn như các bạn nam, Linh không thấy có vấn đề gì, coi như mình trang bị được những kỹ năng mà hiếm bạn nữ nào có.
Là bóng hồng duy nhất của lớp, Linh bảo "khổ nhất" là bị gọi lên bảng nhiều. Như hồi năm nhất, là bí thư lớp, lại là nữ, thầy cô liên tục gọi tên, có tiết gọi 2-3 lần. "Đặc biệt quá nên em cũng không thể trốn học vì nghỉ là thầy cô biết liền", Linh đùa. Thế nhưng, em cũng có nhiều kỷ niệm khi học tập cùng hàng trăm bạn nam. Em luôn được các bạn giúp đỡ những công việc nặng, được thầy cô ưu tiên, hỗ trợ nhiều hơn. Dù cả năm bị các bạn coi như con trai, em vẫn có hai dịp 20/10 và 8/3 được coi là con gái. Nhìn những bạn nữ lớp khác chỉ được tặng một bông hoa trong khi mình có cả bó hoa, Linh thấy rất vui.
Việc học hành ngày một suôn sẻ, các hoạt động ngoại khóa cũng giúp Linh trưởng thành hơn. Thế nhưng, cô gái sinh năm 1998 vẫn phải nuối tiếc khi suốt bốn năm đại học không tham gia nghiên cứu khoa học hay thi cuộc thi sáng tạo nào vì dành thời gian quá nhiều cho việc làm thêm.
"Em bắt đầu đi làm thêm từ năm hai với những công việc không liên quan nhiều đến ngành học, thậm chí làm theo tiếng ở các cửa hàng để trang trải sinh hoạt. Học phí ngày càng tăng khiến em lại càng bị cuốn vào những công việc đó. Vì vậy, em phải đánh đổi bằng việc không tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đó là điều đáng tiếc nhất với em", Linh nói.
Mãi đến tháng 9/2020, khi thực tập tốt nghiệp và làm đồ án, Linh mới tham gia nghiên cứu ở lab của TS Phùng Xuân Lan, giảng viên bộ môn Công nghệ chế tạo máy của Viện Cơ khí. Sau 4 tháng, đồ án tốt nghiệp về thiết kế máy in 3D sinh học giúp em được hai điểm A+ cho cả thực tập và đồ án, kéo điểm lên xuất sắc.
Cô Phùng Xuân Lan cho hay từng dạy Linh hai môn Công nghệ CMC và Công nghệ chế tạo máy, thấy em năng động, tiếp thu bài tốt, nổi trội trong lớp nên đã hỏi có muốn tham gia vào dự án của mình không. "Dù làm việc nhóm, Linh rất chịu khó mày mò để tìm được những hướng mới", cô Lan nói.
Từng có thời gian thực tập tại Samsung Display ở Bắc Ninh, Linh học được nhiều thứ và thích môi trường ở đó. Thế nên khi đang làm đồ án tốt nghiệp, em nộp hồ sơ xin việc tại Samsung Electronics Thái Nguyên. Trải qua các vòng loại hồ sơ, thi GSAT, phỏng vấn, khám sức khỏe, cuối tháng 1, Linh được tuyển làm nhân viên chính thức, trước ngày bảo vệ đồ án khoảng một tuần.
Có công việc khi chưa tốt nghiệp, lại hoàn thành chương trình sớm một kỳ với tấm bằng xuất sắc, Linh cảm thấy may mắn vì ngành đã chọn mình. Em mong Covid-19 sớm được kiểm soát để có lễ tốt nghiệp đáng nhớ cùng bạn bè.