Đầu tháng 3, Michelle Shabo, 28 tuổi, ở bang Massachusetts, cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, toàn thân nhức mỏi. Ban đầu, Michelle cho rằng bệnh cúm tuần trước vẫn chưa khỏi nhưng các triệu chứng ngày càng nặng.
Thời điểm đó tại Mỹ, Covid-19 chưa bùng phát nhưng do thường xuyên đọc tin tức liên quan đến đại dịch và sống tại bang đông đúc cư dân, Michelle nghi ngờ bản thân nhiễm nCoV. Trong hai tuần rưỡi, Michelle tự điều trị tại nhà bằng cách uống thuốc hạ sốt Tylenol nhưng mọi chuyện chỉ càng tồi tệ. Đến giữa tháng 3, nữ sinh được xét nghiệm và có kết quả dương tính với Covid-19.
Ngay lập tức, Michelle được đưa vào phòng cách ly tại bệnh viện thuộc Đại học Massachusetts, nơi cô từng ra vào nhiều lần khi đi lâm sàng. Một tuần ở bệnh viện, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn. Cô bị viêm phổi nặng, khó thở.
"Không thể thở nổi như một cơn ác mộng. Tôi cố gắng hớp không khí. Bác sĩ nói nếu tình hình tồi tệ hơn, tôi phải đặt máy thở", Michelle nói. Vì phải cách ly khỏi người thân, gia đình, Michelle bảo những ngày trong bệnh viện khó khăn và cô đơn nhưng cô ép mình nghĩ đến những điều tích cực để chiến đấu với căn bệnh.
Vài ngày sau, Michelle cảm thấy sức khỏe có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Cô dần khỏi bệnh viêm phổi, hết sốt. Cuối tháng 3, Michelle được cho xuất viện, trở về đoàn tụ cùng gia đình. "Tôi rất vui khi khỏi bệnh và biết ơn vì được tiếp tục sống. Ngay lúc ấy, tôi rất muốn giúp đỡ những bệnh nhân nhiễm nCoV khác", Michelle nói.
Là sinh viên năm tư chuyên ngành Tiết niệu, Michelle có kế hoạch lâm sàng tại bệnh viện thuộc Đại học Massachusetts, nhưng phải hủy bỏ do sự xuất hiện của Covid-19. Bạn bè cùng lớp với Michelle đã trở về nhà.
Trải nghiệm khó khăn khi mắc nCoV đã thúc đẩy Michelle đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch dù không có kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm. Hiện, Michelle làm việc tại bệnh viện dã chiến DCU, thành phố Worcester, bang Massachusetts.
Tại đây, Michelle có nhiệm vụ theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân nhiễm nCoV, từ đó giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị. "Công việc rất tuyệt vời. Bệnh viện dã chiến có đầy đủ trang thiết bị và tiện nghi như bệnh viện thường", Michelle nói.
Khi các nhà nghiên cứu Mỹ cho phép thử nghiệm phương pháp điều trị nCoV bằng huyết tương của bệnh nhân đã chữa khỏi sau 14 ngày, Michelle đăng ký hiến tặng. Nữ sinh hiến huyết tương tại ba cơ quan y tế, khuyến khích bệnh nhân chữa khỏi nCoV hành động tương tự.
Chia sẻ câu chuyện của mình, Michelle hy vọng mọi người không xem nhẹ nCoV, tuân theo quy định an toàn sức khỏe của Bộ Y tế Mỹ và tổ chức WHO để bảo vệ bản thân, gia đình. "Giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đừng đưa tay lên mặt và không coi thường loại virus này vì ngay cả những thanh niên khỏe mạnh cũng có thể mắc bệnh", Michelle nói.
Đến ngày 13/5, Covid-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,3 triệu người nhiễm bệnh, hơn 290.000 người chết. Mỹ ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó 83.425 người tử vong, là vùng dịch lớn nhất thế giới.
Tú Anh (Theo Telegram)