Giữa tháng 8, sau khi gửi tiền cọc qua Internet Banking, Phương được cấp một tài khoản đăng nhập vào trang web của công ty. Cô được giao nhiệm vụ hàng ngày vào 10 link video được cập nhật sẵn trên web để xem, like, bình luận và chia sẻ về trang cá nhân. Thời gian làm việc từ 10h sáng đến 12h đêm. Với tính chất công việc trên, Phương chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể hoàn thành dễ dàng.
Theo quy định, mỗi tháng, một cộng tác viên còn phải mời ít nhất 5 người vào hệ thống mới đạt chỉ tiêu nhận thưởng 2,4 triệu đồng. Nếu dưới 5 người, Phương sẽ bị khóa tài khoản.
"Em cố gắng làm việc và mời bạn bè, người thân tham gia, nghĩ đây là công việc kiếm tiền chân chính", cô nói với VnExpress.
Sau hai tuần, Phương mời đủ 5 người nhưng lại mông lung khi nghe thành viên trong nhóm bàn tán đây là công ty hoạt động đa cấp. "Em không biết đa cấp là gì. Thấy người tham gia trước đã được thưởng, em nghĩ mình cũng sắp nhận tiền nên tiếp tục tin tưởng và làm việc đều đặn", Phương nói.
Hôm 9/9, Phương vào xem video nhưng trang web của công ty đã bị sập. Tưởng lỗi mạng, em vào nhóm hỏi các thành viên song phát hiện nó đã tan rã. "Em nhắn hỏi người quản lý thì được biết giám đốc đã bỏ trốn. Lúc này, em mới hay bị lừa nhưng không biết làm thế nào để lấy lại tiền đặt cọc", cô chia sẻ.
Một người quản lý nhóm tên Ly, 18 tuổi cho biết công ty mới thành lập hơn hai tháng song đã có ít nhất 8.000 người cộng tác, đa phần là học sinh, sinh viên. Mỗi ngày có khoảng 300-600 người tham gia. Ai đăng ký phải nộp 250.000 đồng.
"Tháng trước em mời gần 40 người, nộp 10 triệu và được trả công một triệu đồng (tính cả tiền đặt cọc). 40 người đó đã mời thêm gần 300 cộng tác viên, đều do em quản lý. Rất khó để biết tổng số thành viên trong công ty là bao nhiêu bởi hệ thống chia nhiều nhóm, mỗi nhóm có một người quản lý khác nhau", Ly nói và cho hay cũng chưa bao giờ đến trụ sở công ty.
"Khi giám đốc bỏ trốn, những người quản lý cũng lần lượt rời khỏi vì sợ liên lụy", Ly nói và đang cố gắng vận động mọi người làm đơn tố giác, mong đòi lại tiền. Đến chiều 17/9, cô gom được gần 30 đơn. "Em cứ tưởng có công việc ổn định nhưng không ngờ lại dính bẫy lừa đảo", Ly nói.
Đầu tháng 9, Công an TP HCM cảnh báo một số thủ đoạn huy động tiền trái phép núp bóng công việc online. Kẻ lừa đảo thường có chung thủ đoạn đăng tin trên mạng xã hội, quảng cáo về "việc nhẹ, lương cao, làm tại nhà". Chỉ với các bước đơn giản như tải app để thực hiện nhiệm vụ ảo hay xem video trên website, nhiều người đã mắc bẫy và sẵn sàng nạp tiền để tham gia.
Thời gian đầu, kẻ xấu sẽ lấy tiền của người vào sau để trả thưởng cho người trước. Khi người tham gia ngày càng nhiều, chúng sẽ chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn. Đây là cạm bẫy đa cấp lừa đảo núp bóng công việc, dễ dàng thu hút người nhẹ dạ cả tin, cơ quan công an khuyến cáo.
Luật sư Nguyễn Quang Trung, Công ty Luật TNHH Việt Tâm, cho rằng hình thức lừa đảo này xuất hiện ngày càng nhiều. Tội phạm đánh vào nhu cầu kiếm tiền của giới trẻ bằng những thuật ngữ mỹ miều như kiếm tiền thời đại 4.0, kiếm tiền online... Số tiền đóng mỗi người chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng khi lôi kéo được đông người tham gia thì con số lên tới hàng tỷ.
Trong sự việc trên, đa số nạn nhân là học sinh, sinh viên, nhiều em chưa nhận thức được đúng sai nên vô tình tiếp tay cho hoạt động của tội phạm.
Về xử phạt, luật sư Trung cho rằng, chỉ cần chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên, người vi phạm đã phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu giám đốc lừa đảo chiếm trên 500 triệu đồng sẽ bị phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc chung thân, theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Những người tham gia với vai trò giúp sức có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự, tuỳ thuộc vào mức độ bàn bạc, ăn chia, giúp sức về vật chất và tinh thần,... Nếu biết rõ hành vi lừa đảo mà không tố giác, người đó có thể bị phạt về tội Che giấu tội phạm hoặc Không tố giác tội phạm, theo điều 389, 390 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư khuyến cáo các nhân viên, cộng tác viên là nạn nhân của công ty trên cần nhanh chóng làm đơn tố giác tội phạm, gửi đến công an; VKSND cấp quận, huyện; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra xử lý.
Trả lời VnExpress, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, cho rằng với hình thức đa cấp núp bóng một công việc, những người non kinh nghiệm khó nhận biết. Xét về bản chất, công ty trên đã biến cộng tác viên thành người tuyển dụng để tăng nhanh số người trong hệ thống. Họ buộc cộng tác viên phải mua hàng - gói hàng 250.000 đồng. Sau đó, cộng tác viên phải bán gói hàng 250.000 đồng cho nhiều người khác thì mới được nhận lại tiền cọc và lương (hứa hẹn).
"Khi số lượng cộng tác viên tăng nhanh, số tiền cọc càng nhiều, người chủ có thể biển thủ rồi giải thể công ty, hoặc tệ hơn là ôm số tiền đó bỏ trốn. Khi đó, người tham gia sẽ bị mất "cả chì lẫn chài", ông Chánh cho hay.
* Tên nạn nhân đã thay đổi
Phương Anh