Năm 2012, Christine Jiaxin Lee (quốc tịch Malaysia) khi học tại Đại học Sydney (Autralia) đã mở tài khoản ở chi nhánh ngoại ô Haymarket thuộc ngân hàng Westpac để nhận chu cấp từ bố mẹ. Tài khoản này không đăng ký hạn mức thấu chi (giới hạn số tiền được tiêu vượt mức).
Theo lịch sử giao dịch, ngày 22/7/2014, tài khoản của Christine bị âm tiền sau khi trả 3.454 AUD tiền trọ. Phát hiện điều này, nữ sinh nhiều lần chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản Paypal. Các khoản tiền lớn dần theo thời gian.
Từ "mỏ tiền" này, cô bắt đầu dùng hàng hiệu đắt tiền như Hermes, Chanel và Dior..., đôi khi chi tới 300.000 AUD một ngày. Từ tháng 9/2014 tới 4/2015, Christine đã chuyển sang tài khoản PayPal tổng cộng hơn 4,6 triệu AUD.
Chuỗi ngày tiêu xài xả láng của Christine kết thúc vào 7/4/2015 khi cô thực hiện 14 lần chuyển tiền trong cùng một ngày từ ngân hàng Westpac sang PayPal, tổng cộng hơn một triệu AUD. Trước những giao dịch bất thường, hệ thống báo động và ngân hàng nhận ra sai sót của mình.
Điều tra lại toàn bộ lịch sử của tài khoản này, ngân hàng phát hiện vào năm 2013, có người tố cáo tài khoản của Christine nhận tiền lừa đảo. Theo quy trình, ngân hàng đóng băng tài khoản của nữ sinh viên và tước quyền giám sát của chi nhánh Haymarket. Nhưng sau khi xác minh nguồn gốc số tiền Christine nhận là chính đáng, ngân hàng Westpac gỡ lệnh đóng băng nhưng không khôi phục quyền giám sát cho chi nhánh Haymarket. Vì vậy, Christine có thể rút tiền vô hạn mà chi nhánh không hay biết, tài khoản cũng không bị đánh giá xấu.
Phát hiện sai sót, Westpac đóng băng tài khoản của Christine. Ngày 8/4/2015, khi được phía ngân hàng liên lạc, nữ sinh viên nói tưởng số tiền đó do bố mẹ gửi sang nên không nghi ngờ. Westpac yêu cầu tòa án tuyên bố Christine phá sản, xin lệnh thu giữ những tài sản do nữ sinh viên mua bằng tiền thấu chi.
Cuối cùng, ngân hàng Westpac lấy lại được hơn một triệu AUD mà Christine gửi PayPal vào ngày 7/4/2015, thu giữ hàng trăm món đồ hiệu bao gồm túi xách, nữ trang, quần áo và giày dép. Tuy vậy, 3,3 triệu AUD còn lại vẫn không thể thu hồi. Christine bị đặt vào danh sách theo dõi của sân bay vì sợ bỏ về Malaysia trốn nợ.
Tháng 3/2016, Christine trốn tránh liên lạc với phía ngân hàng, không chịu xuất hiện tại tòa nên bị phát lệnh bắt giữ. Ngày 4/5/2016, nữ sinh viên bị bắt khi chuẩn bị lên máy bay về Malaysia với tấm hộ chiếu khẩn, trong khi trước đó cô nói bị mất hộ chiếu.
Christine bị cáo buộc về tội Lừa dối nhằm đạt lợi ích tài chính và Cố ý tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có.
Luật sư của Christine bào chữa rằng không có sự lừa dối vì cô nghĩ đó là tiền do bố mẹ gửi sang. Thẩm phán cũng nhận định số tiền Christine tiêu không thể được coi là do phạm tội mà có vì chính ngân hàng cung cấp cho cô gái hạn mức thấu chi không giới hạn. Rất khó để chứng minh hành vi phạm tội nên Christine chỉ nợ tiền, chứ không có hành vi trái luật.
Công tố viên đồng ý bãi bỏ cáo trạng vì khả năng Christine bị kết tội là không cao, căn cứ vào một sự việc tương tự vừa xảy ra tại Australia. Theo đó, tài khoản ngân hàng Luke Moore vì lỗi hệ thống đã cho phép bị cáo rút tiền vô hạn. Sau 50 lần rút và được lợi 2,1 triệu AUD, Luke Moore bị tòa sơ thẩm kết án Lừa dối nhằm đạt lợi ích tài chính vào năm 2015. Tới năm 2016, tòa phúc thẩm tuyên Luke Moore vô tội vì không có yếu tố lừa dối, bất chấp hành vi thiếu trung thực của bị cáo.
Quốc Đạt (Theo Sydney Morning Herald, Stuff)