Emma Yang (14 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Hong Kong, hiện theo học ở Mỹ và nổi tiếng toàn thế giới nhờ câu chuyện truyền cảm hứng về đam mê lập trình. Em là diễn giả trong các sự kiện do tổ chức phi lợi nhuận TED tổ chức.
Next Shark ngày 8/2 cho biết, khi Yang khoảng 7-8 tuổi, bà em bắt đầu hay quên. Trong vài năm sau đó, những vấn đề về trí nhớ do chứng Alzeimer hành hạ ngày càng trở nên trầm trọng. Vốn làm quen với lập trình từ sớm, Yang nghiên cứu cách sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và nhận diện khuôn mặt để giúp bà và những bệnh nhân khác chiến đấu với bệnh tật.
"Tôi có trải nghiệm cá nhân về việc căn bệnh ảnh hưởng không chỉ đến người bệnh mà còn gia đình và bạn bè. Khi 11 hay 12 tuổi, tôi thực sự thích sử dụng công nghệ nhằm tạo ra lợi ích cho mọi người trên khắp thế giới", Yang kể lại trên Fast Company.
Với app đang được Yang phát triển có tên Timeless (Vô tận), bệnh nhân Alzheimer có thể cuộn qua những hình ảnh của bạn bè, gia đình, và app sẽ nói với họ đó là ai, có mối quan hệ gì với bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không nhận ra ai đó trong phòng, họ có thể chụp một bức ảnh và công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ cố gắng xác minh tự động danh tính của người này.
Nữ sinh 14 tuổi tin AI và nhận diện khuôn mặt đang mở rộng phạm vi áp dụng, đặc biệt là trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Yang hợp tác với những cố vấn ở công ty công nghệ Kairos, nơi tạo ra phần mềm nhận diện khuôn mặt đang được sử dụng trong app Timeless. Em cũng lần đầu học cách lập trình trên iPhone.
App chứa danh sách liên hệ, gồm hình ảnh thành viên trong gia đình với tên mỗi người. Nếu bệnh nhân cố gắng gọi một người liên tục, app sẽ hiện nhắc nhở nhanh: "Bạn có chắc muốn gọi người này không? Bạn vừa gọi chưa đầy năm phút trước". Ngoài ra, trang cá nhân hiển thị tên, tuổi, số điện thoại và địa chỉ bệnh nhân.
Hiện Yang chưa thể chứng minh cụ thể về hiệu quả của app. Em đang kêu gọi quyên góp tiền để thực hiện những bước tiếp theo cho bệnh nhân. Nhưng em có niềm lạc quan rằng nó sẽ có ích, ít nhất là có thể giới thiệu cho mọi người về giai đoạn sớm của chứng bệnh.
"Không có app nào trên thị trường thực sự giúp bệnh nhân Alzheimer trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người thường nghĩ người già không thể sử dụng được công nghệ, nhưng sự thật là nếu bạn từng bước hướng dẫn, công nghệ sẽ tạo ra khả năng cải thiện cuộc sống cho họ", Yang nói.
Katherine Possin, giáo sư tại Trung tâm chống lão hóa và suy giảm trí nhớ UCSF đồng tình với điều này. Bà nhận xét những hình ảnh được gắn nhãn trong app của Emma Yang có thể là một dạng hoạt động xã hội cho người bệnh, giữ các thành viên trong gia đình và bạn bè ở trong trí nhớ, thậm chí củng cố ký ức của họ.