Chiều cuối tuần, sau khi giúp một bệnh viện hoàn tất ca mổ bắt con cứu sản phụ, bác sĩ Phượng - cánh chim đầu đàn của ngành y với công trình “thụ tinh trong ống nghiệm”, đã kể lại đời mình.
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đưa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam và thực hiện thành công. Ảnh: Thiên Chương. |
Sinh năm 1944 tại Biên Hòa, Đồng Nai, bác sĩ Phượng là con thứ hai trong một gia đình nghèo có hơn 10 anh chị em. Năm 1952, cô bé bị trận sốt thương hàn dai dẳng, uống đủ các loại thuốc Nam mà không khỏi bệnh. Trong túng quẫn, người cha đôi lần phải ra đồng đốt gốc rạ lấy tro cho con uống.
“Hơn một tháng, thấy tôi khó qua khỏi, sợ tôi chết như người anh trước đó, ba má đưa tôi đến một bác sĩ. Tôi nhớ đó là một bác sĩ lớn tuổi, ông đặt ống nghe, gõ gõ, rờ rờ vào người tôi sau đó kê toa thuốc. Như một điều kỳ diệu, uống thuốc xong thì tôi khỏi bệnh. Từ đó, tôi bắt đầu nuôi ước mơ làm bác sĩ với suy nghĩ rất trẻ con ‘mình bệnh cả tháng không khỏi mà chỉ cần có bác sĩ là khỏi ngay’”, bác sĩ Phượng kể.
Lớn lên một chút, với suy nghĩ của người nghèo, cô thiếu nữ suốt ngày bế em đến chai cả eo lại suy nghĩ thêm, nếu làm răng thì phải có tiền để mua máy làm răng, làm dược sĩ phải có tiền để mua thuốc, còn bác sĩ thì chỉ cần ống nghe chứ không tốn kém gì. Từ đó Phượng cố gắng học thật giỏi.
Ước mơ của cô học trò nhỏ vừa nhen nhóm thì năm 1954, ba mẹ cô phải về Bình Long (Bình Phước) làm công nhân đồn điền cao su. Nghèo vẫn cố cho con đi học, tại đồn điền, Phượng đến trường và tiếp tục là học sinh học giỏi nhất lớp. “Lúc đó giữa lớp học, thầy giáo hỏi lớn lên các em muốn làm gì, các bạn đã có trận cười và chọc ghẹo khi tôi nói mình muốn trở thành nữ sinh trường Gia Long (Sài Gòn)”.
Ước mơ sau đó thành sự thật khi bà ngoại thấy cô cháu gái hiếu học quá vất vả nên đưa về Biên Hòa và cô học trò nhỏ đậu vào trường nữ danh tiếng bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Trong thời gian học cấp 3, Phượng một lần nữa khiến các bạn cười cợt khi cô nói mình muốn thành sinh viên y khoa - điều mà ngay cả những học sinh có điều kiện cũng ít ai dám nghĩ đến. “Vậy mà tôi đã đậu thật. Năm 1962 tôi chính thức vào dự bị y khoa, trường Gia Long chỉ có 2 người”, người phụ nữ năm nay 68 tuổi mỉm cười nhớ lại.
Đạp xe ba bánh giao hàng kiếm tiền tự học thành bác sĩ
Vừa vào được y khoa thì gia đình lại có biến cố. Ba mẹ không thể tiếp tục làm công nhân đồn điền nên trở về Biên Hòa trong tình trạng thất nghiệp. Cô sinh viên dự định nghỉ việc để đi làm thư ký cho công ty xi măng để nuôi gia đình nhưng ba không cho vì thấy đời mình ít học đã quá khổ. Nghe lời ba, Phượng tiếp tục đến trường.
“Thời đó các bạn trong lớp toàn con gia đình giàu có học trường Tây đi xe hơi, còn tôi ngày ngày đến giảng đường với mấy bộ áo dài cũ rách thời học trường Gia Long. Tôi không hề biết mắc cỡ, chỉ biết học thật giỏi, chính vì thế mà các bạn cũng nể trọng chứ không chê cười”.
Để có tiền đóng học phí và phụ giúp ba mẹ, ngoài giờ học, Phượng nhận đạp xe ba bánh giao gạo và giao than giúp cho người mợ làm nghề buôn bán của mình. Cô sinh viên gầy gò mặt mũi dễ nhìn, lại là sinh viên trường y, mỗi lần giao hàng thường được khách cho thêm vài chục đồng bạc lẻ. Ngoài ra, thời gian còn lại Phượng tranh thủ đi làm gia sư. Tiền kiếm được không nhiều nhưng cũng đủ trang trải.
Chọn ngành sản khoa vì muốn giúp người thật nhanh
Sau 7 năm vừa làm vừa học, vào năm 1970 bác sĩ Phượng trình xong luận án tiến sĩ y khoa với đề tài “Dạy y khoa bằng ngôn ngữ Việt”. Thay vì bắt đầu đi làm, mở phòng mạch để kiếm tiền như nhiều người khác, nữ tiến sĩ trẻ lại xây tiếp ước mơ trở thành bác sĩ sản khoa.
“Lúc đó tôi mê ngành sản đơn giản chỉ vì thấy giúp được người khác rất nhanh. Một bà bầu đau bụng, mình đỡ đẻ thì ngay sau đó đã thấy đứa bé khóc oa oa. Hay một sản phụ bị thai suy, chỉ cần mổ trong vòng 3 phút để lấy đứa bé ra. Tôi thấy điều này rất thú vị và thiêng liêng. Thêm nữa, tôi nghĩ nếu chỉ dừng lại ở mức đó thì suốt đời không giỏi hơn được nữa”, bác sĩ Phượng nói.
Cầu tiến, ham học, nói là cố làm cho bằng được, sau khi thuyết phục ba mẹ, bác sĩ Phượng bắt đầu hành trình mới kéo dài 4 năm học chuyên ngành. Lần lượt vừa học vừa thực hành tại Bệnh viện Gia Định, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương nhưng nơi gắn bó nhiều nhất vẫn là Bệnh viện Từ Dũ. Năm 1976 bà là trưởng phòng sinh ở Bệnh viện Từ Dũ; năm 1982 bà giữ chức giáo vụ (sắp xếp giảng dạy) bộ môn sản ở trường đại học Y dược, cũng năm này làm phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Năm 1990 trở thành giám đốc bệnh viện cho đến khi về hưu năm 2005.
Ngày nay cái tên Nguyễn Thị Ngọc Phượng gắn với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam. Kể về duyên may trở thành người đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ Phượng cho biết, từ những ngày đầu học và làm việc trong ngành sản, cảnh vợ chồng trẻ mong con, vợ chồng bỏ nhau vì không thể có con, đã khiến bà đau đáu.
“Tôi gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Cùng là phụ nữ, tôi cảm nhận được nỗi khổ của những người đàn bà lập gia đình mà không thể sinh con nên âm thầm nuôi nấng ước mơ cải thiện tình trạng này".
Mơ ước của bác sĩ Phượng bắt đầu có hướng giải quyết vào năm 1984, trong chuyến công tác Thái Lan. Khi ấy nước này đang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Đến Pháp làm giảng viên trong những năm 1990, giáo sư Phượng mới bắt đầu thực hiện được ước mơ.
"Tại Pháp, tôi lân la tìm mua thiết bị để đưa về nước thứ làm thụ tinh trong ống nghiệm. Mỗi thiết bị thụ tinh trong ống nghiệm ở Pháp khoảng 300.000 USD chứ không phải 3 triệu USD như vị bác sĩ Thái Lan từng 'hù dọa' trước đó nên tôi mừng lắm". Từ đó, bà dùng đồng lương giảng dạy mỗi tháng tại Pháp để mua dần từng thiết bị theo hướng dẫn của các giáo sư Pháp. "Lúc đó, may mắn là các đồng nghiệp ở Bệnh viện Từ Dũ luôn ủng hộ tôi", bác sĩ Phượng nói.
Sau nhiều năm chuẩn bị, ngày 19/8/1997 hơn 30 phụ nữ vô sinh đầu tiên tại Việt Nam đã được chuyển phôi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Trong số các bệnh nhân, có hơn 10 người thụ tinh thành công. Đến ngày 30/4/1998, 3 em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời đánh dấu một bước ngoặt lớn cho ngành sản khoa Việt Nam.
Từ tỷ lệ thành công khoảng 30% trong những ngày đầu, đến nay, tỷ lệ thành công trong thụ tinh trong ống nghiệm đã lên đến 50%. Ngoài Từ Dũ, cả nước đã có 17 trung tâm điều trị vô sinh hiếm muộn, mỗi năm điều trị cho khoảng 7.000 bệnh nhân, trong đó hơn 3.000 bé được chào đời bằng kỹ thuật này.
Cả gia đình bà Phượng cũng theo con đường "thụ tinh ống nghiệm". Con gái của bác sĩ Phượng, thạc sĩ - bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan tiếp tục nối nghiệp mẹ, hiện là một chuyên gia đầu ngành trong nghiên cứu và chữa trị vô sinh hiếm muộn. Con rể bà Phượng là bác sĩ Hồ Mạnh Tường cũng từng là trưởng khoa Hiếm muộn vô sinh Bệnh viện Từ Dũ.
Nặng với nghiệp, không quen để mình nghỉ ngơi thụ động, dù đã gần 70 tuổi nhưng bác sĩ Phượng vẫn làm cái việc mà mình đã làm từ mấy chục năm qua. Mỗi sáng, bà vẫn đến làm việc ở phòng khám thai, khám bệnh phụ khoa cho chị em. Đến chiều, bà lại trực tiếp tham gia với vai trò cố vấn chuyên môn cho các ca mổ khó ở những bệnh viện sản.
“Hễ có bệnh viện nào gọi là tôi có mặt. Cực lắm chứ, mắt đã mờ, tay đã run, có hôm đến tối mịt mới về nhưng tôi vẫn cảm thấy vui. Niềm vui giúp được người trong tích tắc từ ngày xưa giờ vẫn còn nguyên”, vị bác sĩ Thầy thuốc nhân dân được Hội đồng giám khảo do VnExpress mời, bình chọn là một trong 50 người tiên phong tại Việt Nam vì những đóng góp trong ngành y, tự hào nói. Bà khẳng định: "Thụ tinh trong ống nghiệm là công trình cả đời của tôi".
Bác sĩ Phượng từng là Phó chủ nhiệm Bộ môn phụ sản Trường ĐH Y Dược, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam VN. Bà là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX; Phó chủ nhiệm Ủy ban y tế và xã hội của Quốc hội khóa VII, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội khóa IX. Để tôn vinh những đóng góp và thành tựu của bà trong lĩnh vực sản phụ khoa, Nhà nước Việt Nam đã phong tặng bà danh hiệu Anh hùng lao động và Thầy thuốc Nhân dân. Tháng 10 năm nay, bà được độc giả VnExpress đề cử và Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia có uy tín trong nhiều lĩnh vực bình chọn là một trong 50 người tiên phong tại Việt Nam, vì những đóng góp của bà trong ngành y tế. |
Thiên Chương