Tối 12/11, video một nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hà Nội lan truyền trên các diễn đàn trực tuyến. Trong video, nạn nhân nằm sõng soài tại hành lang lớp học, liên tiếp bị ba nữ sinh đánh, đá vào đầu và mặt. Một em còn dùng chổi quét lên đầu nạn nhân, sau đó trèo lên người và đá túi bụi vào mặt em này.
Nữ sinh bị đánh chỉ ôm mặt khóc, xung quanh có hàng chục học sinh chứng kiến, reo hò và bình luận bằng nhiều từ ngữ tục tĩu, nhại lại lời kêu cứu của nạn nhân. Hai trong số ba nữ sinh đánh bạn dùng điện thoại chụp, quay sát mặt nữ sinh bị đánh.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Xuân Pôn, hiệu trưởng trường THCS Tân Minh, huyện Thường Tín, xác nhận sự việc xảy ra vào chiều ngày 10/11, sau giờ học. Nạn nhân học lớp 6. Nữ sinh mặc áo trắng, người đánh em này nhiều nhất, là cựu học sinh của trường, đã tốt nghiệp; những em còn lại học cùng khối 6 với nạn nhân.
"Đây là sự việc đáng tiếc", ông Pôn nói.
Trường THCS Tân Minh đã mời công an xã cùng phụ huynh các học sinh liên quan đến trường làm việc, xác minh nguyên nhân. Ông Pôn chưa cung cấp thông tin về số học sinh tham gia đánh bạn và phương án xử lý những em liên quan, chỉ nhấn mạnh sẽ chú trọng tính giáo dục và không để hiện tượng này lặp lại.
"Sau khi xác minh, chúng tôi sẽ có hình thức kỷ luật thích đáng các học sinh đánh bạn. Với nữ sinh đã tốt nghiệp, chúng tôi cũng phối hợp với địa phương để có biện pháp giáo dục phù hợp", ông Pôn nói.
Chị Nhung, mẹ nạn nhân, cho biết con bị sưng và đau đầu, được Bệnh viện Nông nghiệp I chẩn đoán chấn động, ảnh hưởng tinh thần. Gia đình chị đang cho con điều trị tại nhà, tạm thời chưa đi học lại.
"Tôi rất xót con. Giờ con cũng sợ đi học, tôi chỉ muốn sự việc được giải quyết công bằng, thỏa đáng", chị Nhung nói, cho biết cách đây khoảng một tháng, con gái từng bị một nữ sinh cùng lớp đánh chảy máu mũi mà không có lý do cụ thể. Sau lần này, gia đình cân nhắc chuyển trường cho con.
Bạo lực học đường là vấn đề tồn tại của ngành giáo dục, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 7/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết từ 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó 800 học sinh nữ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhìn nhận có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, phần do tác động từ phim ảnh, từ mạng xã hội, phần vì những hành vi của người lớn khiến con trẻ học theo. Ông Vinh cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng căn cơ và lâu dài là xây dựng văn hóa học đường.
Theo quy định hiện nay, việc kỷ luật học sinh vi phạm gồm ba hình thức: nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn.
Thanh Hằng
*Tên phụ huynh được thay đổi