Chia sẻ với VnExpress sáng 15/8, anh Nguyễn Đăng Bằng, trú huyện Đông Anh, phụ huynh của nữ sinh này, cho biết sự việc bắt đầu vào ngày 7/7. Hôm đó, hội phụ huynh lớp 12A5 được trường THPT Ngô Quyền - Đông Anh mời đến trao đổi về định hướng tổ chức lớp chất lượng cao.
Theo anh, trường thông tin chung chung, không đưa ra chương trình cụ thể hay bất kỳ thông tin nào về giáo viên chủ nhiệm, bộ môn. Vì vậy, anh được hội phụ huynh ủy quyền làm việc với trường để tìm hiểu cụ thể hơn.
Tới 8/8, anh Bằng cho biết đã gặp Phó hiệu trưởng Nguyễn Như Tuân.
"Trước các câu hỏi tôi đưa ra, thầy Tuân trả lời rất vòng vo, liên tục nhấn mạnh rằng nếu phụ huynh nào thấy môi trường không phù hợp thì chuyển con sang trường khác", anh Bằng kể.
Hai ngày sau, anh được giáo viên chủ nhiệm của con gái gửi bản mềm quyết định "dừng đào tạo" với lý do "trường không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của phụ huynh". Quyết định có hiệu lực ngay hôm đó.
"Học sinh được tạo điều kiện chuyển trường theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh, mọi quyền lợi của học sinh được hủy bỏ tại trường THPT Ngô Quyền - Đông Anh kể từ ngày 10/8/2024", quyết định nêu.
Trong hai ngày 13-14/8, anh Bằng và vợ thay nhau tới trường để rút học bạ cho con. Trong đơn xin chuyển trường, phụ huynh viết "do nhà trường ra quyết định dừng đào tạo", song trường từ chối nhận đơn vì "lý do không hợp lệ".
"Bộ phận tiếp nhận hồ sơ yêu cầu viết lý do "tự nguyện rút hồ sơ", nhưng tôi không đồng ý", anh Bằng nói. "Sau đó, trường cũng tiếp nhận đơn, hẹn chiều nay tới trao đổi tiếp".
Chiều 15/8, phụ huynh cho biết đã rút được hồ sơ để chuyển con sang một trường tư thục khác ở huyện. Song, anh Bằng cho rằng việc làm của trường "phản giáo dục", gây ảnh hưởng tới tâm lý và danh dự của con gái.
"Tôi rất bất bình về việc làm của trường. Đây là vấn đề giữa người lớn, trường có thể bức xúc với tôi, thậm chí mời cơ quan chức năng giải quyết, nhưng con tôi không có lỗi gì", anh nói.
Cùng ngày, phóng viên liên hệ với lãnh đạo hội đồng và ban giám hiệu trường nhưng không nhận được phản hồi. Khi tới trường, bảo vệ tại đây cho biết tất cả lãnh đạo vắng mặt do đi họp.
THPT Ngô Quyền - Đông Anh là trường tư thục, thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Trường có khoảng 17 lớp, ở ba khối. Riêng khối 10 năm nay có gần 200 học sinh.
Sở cho biết đã yêu cầu trường bảo đảm quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của học sinh, có trách nhiệm sắp xếp học sinh vào lớp đúng quy định.
"Việc bố trí, sắp xếp lại học sinh vào các lớp chỉ khi có sự đồng thuận của toàn thể học sinh, phụ huynh và được thống nhất của thầy, cô giáo trong trường", đại diện Sở nói. Trường này phải báo cáo kết quả về Sở trước ngày mai.
Năm ngoái, trường THPT Lạc Long Quân, huyện Sóc Sơn, từng bị phụ huynh phản ứng vì hiệu trưởng nói sẽ từ chối dạy con mình sau khi xảy ra mâu thuẫn giữa hai bên.
Khi đó, Giám đốc Sở Trần Thế Cương cho hay về lý thuyết, trường tư có quyền dừng đào tạo với học sinh, nhưng "góc độ giáo dục là không cho phép" và yêu cầu trường cho học sinh đi học lại.
Thanh Hằng