Trở về Việt Nam từ Vương quốc Anh, Nguyễn Phương Thảo vẫn không quên cảm giác run run khi nghe Ban tổ chức đọc tên thí sinh có huy chương. “Hai bàn tay lạnh toát, em nín thở chờ đợi giây phút tên mình được xướng lên”, Thảo nhớ lại. Trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế, Thảo là một trong hai thí sinh Việt Nam giành huy chương bạc, góp phần tạo nên thành tích tốt nhất của đội tuyển Sinh trong lịch sử tham gia đấu trường này.
Tình yêu Sinh học đến với cô gái sinh năm 2000 rất tình cờ. Năm lớp 9, gia đình mua TV mới giúp em xem được nhiều kênh. “Lần mò xem Discovery và các chương trình thế giới động vật, em thấy rất nhiều bí ẩn trong tự nhiên. Từ đó, em quyết định theo đuổi môn Sinh học để giải đáp những bí ẩn đó”, Thảo chia sẻ.
Một năm tập trung học Sinh, Thảo đạt giải nhất thi học sinh giỏi thành phố Hà Nội vào cuối lớp 9 và bất ngờ trở thành thủ khoa đầu vào của lớp chuyên Sinh trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Dưới sự định hướng của thầy cô, em có cơ hội học sâu hơn, sớm đạt giải nhì quốc gia và đi thi quốc tế ngay từ năm lớp 11.
Thảo nhận định Sinh học có sự tích hợp liên môn với những đặc thù riêng mà nếu không đủ đam mê rất khó chinh phục. Nhìn bề ngoài, Sinh khô khan với những mảng kiến thức rời rạc, nhưng thực tế lại liên kết chặt chẽ. Thảo thường học bằng cách sơ đồ hóa, hình ảnh hóa mọi thứ để thấy được mối quan hệ giữa các phần kiến thức, từ đó rút ra chi tiết cô đọng nhất.
Bố làm tài xế, mẹ là y tá, lại là chị cả trong nhà, Thảo luôn dặn bản thân phải tự học thật tốt. Trong đợt thi quốc tế vừa qua, Thảo là thí sinh duy nhất của đoàn Sinh Việt Nam học lớp 11. “Môn Sinh học theo kiểu tích lũy. Mới lớp 11 lại đến với môn Sinh muộn, kiến thức của em không thể đầy đủ như anh chị trong đội. Nếu không tự học, em sẽ không thể có thành tích tốt”, Thảo khẳng định.
Nữ sinh Hà Nội cũng đánh giá cao tầm quan trọng của việc học nhóm. Là em út trong đội tuyển, Thảo thường xuyên hỏi các anh chị phần kiến thức chưa hiểu. “Các anh chị rất nhiệt tình giải đáp và em cảm thấy được yêu thương nhiều”, Thảo chia sẻ và cho rằng ba tháng tập trung ôn luyện trước khi lên đường sang Anh là khoảng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời em.
Tại kỳ thi quốc tế vừa qua, Thảo làm bài lý thuyết tốt hơn phần thực hành. Nếu như mọi năm có 4 phòng thí nghiệm, thí sinh làm bài thi thực hành 90 phút ở mỗi phòng thì năm nay chỉ có 3 phòng, mỗi phòng tới 120 phút. Thời gian kéo dài phần nào làm em áp lực hơn. Tuy nhiên, phần lý thuyết theo em lại rất thú vị với nhiều hình ảnh sinh động.
Thảo cho rằng việc đạt huy chương bạc là nhờ may mắn, nhưng cũng rất tự hào khi là nữ sinh duy nhất trong tất cả đoàn Olympic Toán, Lý, Hóa, Sinh đạt giải năm nay. “Với các môn tự nhiên, ưu thế luôn thuộc về phái mạnh, nhưng qua giải thưởng lần này em muốn khẳng định giới nữ cũng rất bản lĩnh và đầy đủ khả năng để chinh phục mọi tri thức”, Thảo nói.
Nguyễn Khánh Huyền, bạn cùng lớp với Thảo ở trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, nhận xét Thảo vui vẻ, rất hài hước. "Bạn luôn đứng đầu lớp và làm tốt ở tất cả môn học", Huyền thông tin.
Kết thúc cuộc thi cũng là lúc Thảo chuẩn bị bước vào năm học mới. Em chưa nghĩ đến những dự định dài hơi nhưng chắc chắn sẽ trau dồi kiến thức để đổi màu huy chương trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm sau.
Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 28 được tổ chức ở London, Vương quốc Anh từ ngày 23 đến 30/7. Có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự và 4 nước làm quan sát viên với tổng số 245 thí sinh. Đoàn Việt Nam có 4 thí sinh dự thi và giành 3 giải. Trong đó, huy chương vàng thuộc về em Trương Đông Hưng (lớp 12, THPT chuyên Quốc học Huế, Thừa Thiên Huế). Em Dương Tiến Quang Huy (lớp 12, THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) và Nguyễn Phương Thảo (lớp 11, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) giành huy chương bạc. Với kết quả này, Việt Nam đứng thứ 12 trên bảng xếp hạng, thành tích cao nhất của đoàn Olympic Sinh học quốc tế từ trước tới nay, tiếp nối thành công của đội tuyển Toán, Vật lý và Hóa học. Năm 2016, đoàn Việt Nam giành một huy chương vàng, một bạc và hai đồng. |