Ngôi nhà nhỏ số 62 Ngô Quyền (Hà Nội) giản dị với những tủ sách, những bức ảnh thời chiến của cả hai vợ chồng bà.
Bà tên Dương Thị Thoa nhưng bạn bè vẫn gọi bằng bí danh Lê Thi. Là con gái của cụ Dương Quảng Hàm, từ nhỏ Lê Thi chỉ biết ăn với học. Tính cụ Hàm tương đối thoáng nên khi con gái được Việt Minh giác ngộ, rồi được kết nạp vào đội Phụ nữ cứu quốc, có đợt bỏ nhà đi tuyên truyền cả tháng trời, nhưng cụ chỉ nhẹ nhàng bảo: "Con gái mà cứ lông bông thế thì có nên người được không con".
"Lúc ấy tôi nói với cha rằng cậu cho con làm nốt việc này, rồi con đi học cao đẳng sư phạm như cậu mong muốn. Ai ngờ lời hứa ấy chưa kịp thực hiện thì cha tôi đã ra đi", bà Thi bồi hồi nhớ lại.
Sống dưới chế độ thực dân, thấy giặc Pháp ức hiếp nhân dân, cô nữ sinh trường Đồng Khánh rất căm phẫn. Được phân công kéo cờ vào thứ hai đầu tuần của trường Đồng Khánh, nhằm chọc tức hiệu trưởng người Pháp, bà và nhóm bạn thường cố ý để cờ tắc lại không lên được, hoặc không để cho cờ Pháp và cờ chính phủ bù nhìn lên cùng một lúc. Có khi, cờ lên gần đỉnh cột lại tuột rơi xuống đất.
Bà Lê Thi cùng chồng là người lính bảo vệ kỳ đài ngày 2/9/1945. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Về sau, được Việt Minh đến vận động, rồi đọc báo nói về những việc làm của cụ Nguyễn Ái Quốc, bà Thi hăng hái lắm, song vẫn giấu gia đình. Công việc của bà là cùng với Đội Phụ nữ cứu quốc đi tuyên truyền, vận động người dân theo cách mạng. Đôi khi, bà còn đóng vai trò là người đi thu thập thông tin về các trận đánh cho báo đưa tin.
Ngày 2/9/1945, buổi sáng bà Thi đến từng gia đình vận động họ tham gia cuộc mít tinh vào buổi chiều. Đúng 14h, bà dẫn đầu đoàn phụ nữ cứu quốc tiến về quảng trường Ba Đình. "Tôi dẫn đầu, đi ở ngoài hàng, vừa đi vừa hô "Một hai, một hai", thi thoảng lại hô khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh!”. Vậy là chị em lại hô theo: "Việt Minh, Việt Minh!”, bà Thi kể.
Hôm ấy bà mặc áo dài trắng, đi dày ba ta trắng. Đoàn phụ nữ của bà được đứng vị trí đầu tiên. Gần 14h30, một cán bộ trong Ban tổ chức đến thông báo cử một người lên kéo cờ. Tất cả ngơ ngác nhìn nhau, không ai xung phong lên. Cuối cùng, các chị em đồng thanh hô: "Thi lên đi, Thi lên đi". "Lúc ấy tôi run lắm nên đứng yên không nhúc nhích. Đến khi anh cán bộ xuống thúc thì tôi mới bước đi", bà Thi cười.
Bà Thi nhớ lại, cột cờ ở phía trên bục lễ đài, đường lên ở phía sau. Bà phải bước lên nhiều bậc cầu thang gỗ để tiến đến chân cột cờ. Bác Hồ và các vị đại biểu cũng bước lên lễ đài qua những bậc cầu thang ấy. Khi đến nơi, có một nữ giải phóng quân mặc áo chàm chờ sẵn. Nhìn lá cờ khá to, chị kia lại thấp hơn mình nên bà Thi phân công: "Chị thấp, chị nâng cờ, em cao, để em kéo cờ". Vừa lúc đó nhạc quốc ca cất lên, hai người bắt đầu kéo cờ.
Bà Thi tâm sự: "Vừa kéo tôi vừa lo cờ bị tắc, không đúng với nhạc hiệu. Nhưng may là đã tham gia tuyên truyền, rồi có mặt trong nhiều cuộc biểu tình nên tôi đã thuộc làu bài hát Tiến quân ca. Khi nhạc quốc ca vừa dứt thì cờ đỏ sao vàng cũng lên tới đỉnh cột, tung bay phấp phới".
Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan, hai người phụ nữ cùng nhau kéo cờ trong ngày Quốc khánh. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Trở về vị trí, đến lúc này bà Thi mới có thời gian quan sát lễ đài. Trên bục cao, những người lãnh đạo cách mạng đang đứng trước quốc dân đồng bào. Ba mặt lễ đài đều có lính gác xung quanh, phía trước, đồng chí Phạm Hồng Cư dẫn đầu một đội gác. Xung quanh, một rừng người đang hừng hực khí thế của ngày Quốc khánh.
Rồi bà nghe giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đọc Tuyên ngôn độc lập. Lúc này bà mới biết người có vầng trán cao, râu dài phúc hậu đang đứng trước mặt mình chính là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc mà bà đã được đọc trên báo.
Bà Thi cho biết, lần đầu tiên nhìn thấy Bác bà đã băn khoăn tại sao Chủ tịch nước không mặc com lê, thắt ca vát? Ở trường Đồng Khánh, bà thấy mấy ông Tây đều mặc com lê sang trọng. Rồi khi đang đọc dở, Cụ lại dừng lời, hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?", tại sao Cụ lại quan tâm đến người khác như thế? Trước đây, lãnh đạo người Pháp ở trường bà thường nói rất nhiều, có khi còn mắng học sinh, nhưng chưa bao giờ hỏi xem họ có nghe được không.
"Lúc ấy tôi đã nghĩ Cụ là một nhà lãnh đạo thực thụ. Tôi không biết Cụ tài giỏi, thông minh thế nào, nhưng tôi thấy Cụ rất giản dị và biết quan tâm đến người khác. Chúng tôi cần một lãnh tụ như vậy và cũng chính giây phút ấy, tôi nguyện suốt đời đi theo cách mạng", bà Thi bồi hồi.
Sau thời khắc lịch sử được tham gia kéo cờ trong ngày Quốc khánh, bà và người phụ nữ người Tày cùng kéo cờ chưa kịp hỏi tên nhau. Rồi kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện chiến trường miền Nam liên tiếp diễn ra khiến việc dò hỏi thông tin không thực hiện được.
Cho đến 44 năm sau, rất tình cờ, trong cuộc họp mặt truyền thống tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam 22/12/1989, dưới chân cột cờ, hai bà mới được giới thiệu, nhận ra nhau và xúc động ôm chầm lấy nhau. "Chị ấy là Đàm Thị Loan, vợ cố đại tướng Hoàng Văn Thái. Sau này gặp lại, chúng tôi vẫn nhắc chuyện ngày xưa, những ngày khói lửa mà hào hùng của dân tộc", bà Thi kể.
Hoàng Thùy