Ngày 14/4, bà Nguyễn Thị Thu Ba - Chủ siêu thị Vĩ Yên (huyện Chư Sê, Gia Lai) xác nhận, người đã trói, đeo tấm biển “Tôi là người ăn trộm” vào cổ nữ sinh lớp 7 rồi chụp ảnh đưa lên trang facebook cá nhân là nam nhân viên 25 tuổi của siêu thị.
Trước đó, khoảng 13h ngày 10/4, Liên - học sinh một trường THCS trên địa bàn huyện Chư Sê - cùng một bạn học đi vào siêu thị Vĩ Yên ở thị trấn Chư Sê để mua giấy kiểm tra. Liên gửi cặp bên trong có một ít tiền cho nhân viên. Sau đó, hai cô bé đến quầy bán giấy kiểm tra thì được biết loại này đã hết.
Liên trông thấy 2 quyển truyện yêu thích về Trạng Quỳnh, có giá 10.000 đồng/cuốn nên đã giấu vào áo khoác. Khi 2 cô bé vừa bước qua cửa kiểm soát thì chuông báo động kêu. Lập tức nhân viên siêu thị giữ các nữ sinh lại, lục soát. Phát hiện 2 quyển truyện trong người Liên, các nữ nhân viên bắt em viết bảng tường trình nêu rõ tên tuổi, trường học, tên cha mẹ.
Thấy Liên không nói, một nữ nhân viên dọa sẽ báo công an, hai người khác lấy băng keo dán chặt tay nữ sinh vào lan can cửa chính của siêu thị và tiếp tục hạch hỏi. Tiếp đó, một phụ nữ lấy tờ giấy in chữ "Tôi là người ăn trộm" cho đồng nghiệp dán lên ngực Liên. Lúc này có rất đông người đứng xem, lên tiếng phản đối, yêu cầu nhân viên siêu thị thả bé gái ra nhưng không được.
Mặc Liên hoảng loạn, khóc lóc, nam nhân viên được cho đã tiếp tục tra hỏi địa chỉ cha mẹ và trường học nên cô bé phải nhờ người bạn đi cùng gọi điện thoại cho người bác ở thị trấn Chư Sê ra giúp đỡ. Khi bác của Liên đến, nhân viên siêu thị yêu cầu người này nộp phạt 200.000 đồng rồi mới cho nữ sinh về. Tuy nhiên, hình ảnh Liên bị trói, đeo biển "ăn trộm" đã được anh ta chụp lại rồi đưa lên Facebook sau đó.
Theo bà Thu Ba, nhân viên này từng làm một thời gian dài ở siêu thị, sau đó xin nghỉ và mới quay lại xin làm lại được 2 ngày. Lúc xảy ra sự chuyện bà đang trông tiệm vàng của gia đình ở nơi khác. Mọi việc ở siêu thị đều do con trai bà quản lý, nhưng thời điểm xảy ra vụ việc, anh này đã đi TP HCM. “Đến khuya 10/4 tôi mới hay chuyện và gọi điện cho nam nhân viên. Anh ta thừa nhận sự việc và sáng hôm sau thì đã không đến siêu thị làm nữa. Tôi rất tiếc về việc này và cũng rất đau lòng cho cô bé”, bà Ba nói.
Cô chủ nhiệm của Liên cho biết, chiều hôm xảy ra sự việc, lớp có tiết học thể dục nhưng do vẫn còn sợ nên Liên chỉ khóc, không chịu đến trường. Phụ huynh của em đã trình bày lý do, bảo hôm sau sẽ đưa cháu đi học và mong cô giáo giải thích cho các học sinh khác hiểu để em không bị kỳ thị.
“Sau khi biết sự việc, tôi đã báo với Ban giám hiệu nhà trường. Chúng tôi đã phân tích cho các học sinh hiểu… Tuy nhiên, do chưa hiểu đầu đuôi sự việc nên có nhiều học sinh lớp khác tò mò kéo nhau đến xem mặt Liên khiến em càng thêm hoảng loạn, có khi khóc thét, không dám tiếp xúc với ai hay đi ra khỏi lớp giờ ra chơi”, cô giáo kể và cho biết các đồng nghiệp trong trường đã rất bức xúc trước cách hành xử của nhân viên siêu thị.
Trong khi đó, bạn cùng lớp ai cũng thông cảm và luôn trong tư thế bảo bọc cho Liên. Các nam sinh thì luôn đứng chặn cửa lớp, không cho mấy bạn tò mò xông vào. Các bạn nữ thì quây vòng tròn bên Liên, che chở, không để ai trông thấy mặt. Những giáo viên khéo ăn nói trong trường đều được điều đến để động viên, giải thích cho Liên hiểu rằng ai cũng từng phạm lỗi, điều quan trọng là mình phải biết sửa sai và sống tốt hơn... song Liên vẫn còn rất sợ hãi.
“Chúng tôi là giáo viên nhưng đồng thời cũng là cha mẹ. Em ấy còn quá nhỏ, đang lứa tuổi định hình nhân cách, sao lại đối xử với em ấy như vậy”, cô tổng phụ trách đội nhà trường nói.
Theo cha mẹ Liên, đến giờ con gái họ suốt ngày đóng chặt cửa phòng, không muốn tiếp xúc với ai. “Sự việc xảy ra, chúng tôi không có mặt ở đó nên không biết con mình đúng hay sai. Nhưng chúng tôi đã nộp phạt cho siêu thị và xin lỗi lãnh đạo ở đây vì hành vi dại dột của con mình. Chúng tôi cũng chỉ biết khuyên cháu rằng, làm người, nếu làm sai thì phải biết dũng cảm nhận lỗi”.
Tùy Phong
* Tên nữ sinh đã được thay đổi.