Đại học St. Xavier, một trong những ngôi trường nổi tiếng nhất Mumbai (Ấn Độ) vừa thêm quần jeans rách vào danh sách trang phục cấm của nữ sinh. Trước đó, trường có quy định nữ sinh không được mặc quần đùi, áo không tay và váy ngắn, theo Reuters ngày 30/12/2016.
Đại học này bị phản ứng dữ dội từ sinh viên nữ trên cả nước. Đa số cho rằng bị phân biệt đối xử giới tính. Hầu hết đại học Ấn Độ quy định giờ giới nghiêm đối với nữ sinh bắt đầu từ 18h hoặc 20h, trong khi nam sinh được tuân thủ giờ giới nghiêm muộn hơn hoặc thậm chí không bị kiểm soát giờ giấc. Những quy định trang phục rất phổ biến đối với nữ giới ở đất nước này nhằm hạn chế ánh nhìn của nam giới, nhưng lại không áp dụng những quy tắc này cho cả hai.
"Không thể lấy cớ giữ an toàn để áp đặt phụ nữ bằng những quy tắc gia trưởng, phân biệt giới tính. Chúng tôi muốn các trường đại học nhìn nhận chúng tôi như người lớn, họ không nên hạn chế sự tự do của chúng tôi", Devangana Kalita, cựu nữ sinh Đại học Delhi nói. Hiện có chiến dịch "phá vỡ chiếc lồng" trên toàn Delhi nhằm phản đối những quy định ở trường đại học mà nữ giới xem là bất công.
Ấn Độ siết chặt các quy định từ sau vụ hãm hiếp tập thể khiến một cô gái tử vong trên chuyến xe buýt vào tháng 12/2012. Trong cuộc tranh luận mở rộng về sự an toàn của phụ nữ, một số chính trị gia, quản lý trường đại học và cảnh sát đã yêu cầu phụ nữ tham gia đào tạo tự vệ, mặc trang phục lịch sự và không lang thang ngoài đường khi trời tối.
Tuy nhiên, sinh viên phản đối lệnh giới nghiêm, yêu cầu quan chức tập trung giải quyết vấn đề về sự an toàn của phương tiện công cộng, tăng nhân viên bảo vệ trường học, lắp đặt hệ thống đèn ở trong khuôn viên và xung quanh trường.
Theo Kalita, các trường đại học thường lấy cớ "phụ huynh muốn có giờ giới nghiêm", nhưng điều này hoàn toàn vô lý. Quy định này khiến nữ sinh mất đi nhiều cơ hội công việc và không thể tham gia các hoạt động ngoài giờ.
Theo India TV, một lý do khác về quy định trang phục được hiệu trưởng Đại học St. Xavier, tiến sĩ Agnelo Menezes đưa ra khiến nhiều người bất ngờ. "Quần jeans rách gây ra tình huống khó xử. Trang phục này là sự nhạo báng người nghèo, những người phải mặc jeans rách vì họ không có lựa chọn khác. Đó là trang phục thường xuyên của họ", ông nói.
Phiêu Linh
>>Nữ sinh Anh bị trường cô lập vì đi giày có nơ
>>Nữ sinh bị đuổi học vì kiểu tóc mới trị giá 140 bảng Anh