"Tôi đã không dừng lại và tiếp tục ôn thi", cô gái trẻ giấu tên vì lý do an toàn nói với CNN ngày 21/12, một ngày sau khi chính quyền Taliban áp lệnh cấm các nữ sinh Afghanistan học đại học vô thời hạn. "Sáng đó, tôi vẫn đến trường".
Nhưng quyết tâm của cô là vô ích. Các tay súng Taliban có mặt tại cổng trường đại học ở thủ đô Kabul, xua đuổi mọi nữ sinh cố gắng vào bên trong.
"Đó là một cảnh tượng khủng khiếp", cô gái nói. "Hầu hết nữ sinh, trong đó có tôi, đã khóc và yêu cầu được vào trường. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi để mất toàn bộ quyền của mình mà không thể làm gì?".
Phụ nữ Afghanistan ngày càng phải đối mặt với nhiều hạn chế kể từ khi Taliban lên nắm quyền điều hành đất nước hồi tháng 8 năm ngoái. Hạn chế đáng chú ý nhất là lệnh cấm nữ sinh theo học đại học, gần ba tháng sau khi hàng nghìn cô gái tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học khắp cả nước.
Hồi tháng 3, Taliban đã cấm trẻ em gái đến trường trung học. Lệnh cấm giáo dục với phụ nữ dường như đang ngày càng được mở rộng. Tờ WSJ của Mỹ ngày 21/12 dẫn các nguồn tin cho hay Taliban đã tuyên bố cấm trẻ em gái Afganishtan học tiểu học.
Đối với nữ sinh viên ở Kabul, việc không thể tiếp tục lên giảng đường là một cú sốc lớn, thậm chí còn hơn cả những vụ đánh bom, bạo lực cô từng chứng kiến.
"Tôi luôn nghĩ rằng chúng tôi có thể vượt qua nỗi buồn và nỗi sợ hãi bằng học tập", cô nói. "Nhưng giờ thì khác. Thật không thể chấp nhận, không thể tin nổi".
Lệnh cấm nữ sinh học đại học đã vấp phải loạt chỉ trích từ giới lãnh đạo thế giới, những người cho rằng điều này hủy hoại tương lai của phụ nữ Afghanistan.
"Ngăn cản một nửa dân số đóng góp có ích cho xã hội và nền kinh tế sẽ tàn phá toàn bộ đất nước", tuyên bố từ phái bộ LHQ tại Afghanistan có đoạn. "Giáo dục là quyền cơ bản của con người. Lệnh cấm không chỉ gạt bỏ quyền giáo dục của phụ nữ, mà còn phủ nhận toàn bộ tương lai Afghanistan".
Trước đó, các trường đại học trên Afghanistan đã phải thực hiện loạt quy tắc như phân chia lớp học giữa nam và nữ hay nữ giới chỉ được học lớp có giảng viên nữ hoặc những thầy giáo lớn tuổi.
Fazil Rabi Askari, 47 tuổi, có ba người con gái, cho biết con gái lớn đã phải vật lộn với các vấn đề về sức khỏe tâm thần kể từ khi bị cấm học lớp 10 vào năm ngoái. "Hồi giáo thúc đẩy cả nam và nữ tìm tri thức. Taliban rõ ràng đi ngược các giá trị này", ông nói. "Lệnh cấm hủy hoại giấc mơ của một quốc gia và giấc mơ của con gái tôi".
Nhiều nữ sinh ở Afghanistan nói rằng tương lai của họ đang trở nên bế tắc, không rõ con đường học vấn sau này sẽ ra sao.
"Tôi vẫn hy vọng mọi thứ trở lại bình thường, nhưng không biết mất bao lâu", nữ sinh giấu tên ở Kabul nói. "Nhiều cô gái, trong đó có tôi, chỉ nghĩ về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và có thể làm gì để thoát khỏi tình cảnh này".
"Tôi sẽ không bỏ cuộc", cô khẳng định, thêm rằng sẽ cân nhắc đến nơi khác nếu Afghanistan tiếp tục cấm nữ sinh học đại học.
Maryam, một nữ sinh 21 tuổi khác, đã quá quen với hiểm nguy khi theo đuổi học vấn tại nước này. Khi còn học trung học, cô từng ở gần nơi xảy ra vụ tấn công tại Đại học Kabul vài năm trước. "Chúng tôi được sơ tán khi đạn bay vèo vèo trên đầu", Maryam nhớ lại.
Hồi tháng 9, cô sống sót sau một vụ đánh bom liều chết tại trung tâm giáo dục Kaaj ở Kabul, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, hầu hết là nữ sinh. Cô thoát chết trong gang tấc nhờ rời lớp vài giây trước khi vụ nổ xảy ra. Khi trở lại lớp học, Maryan đã nhìn thấy thi thể bạn bè nằm la liệt.
Nhưng những lần đối mặt với tử thần đã củng cố thêm quyết tâm của nữ sinh trẻ, để không chỉ theo đuổi con đường học vấn, mà còn để tiếp nối "giấc mơ của tất cả bạn bè đã thiệt mạng trước mắt".
Maryan được nhận vào một trường đại học vài tuần sau vụ đánh bom, nhưng cô quyết định hoãn học một năm để tham gia xây dựng lại trung tâm Kaaj, nhằm khuyến khích những cô gái khác tiếp tục theo đuổi học vấn. Nhưng giờ giấc mơ đó đã tan vỡ trước lệnh cấm của Taliban.
"Tôi lạc lối, không biết làm gì và nên nói gì. Tôi nghĩ về những người bạn của mình, tự hỏi liệu họ có hy sinh vô nghĩa", Maryan nói. "Chúng tôi cần được giáo dục và đã đánh đổi rất nhiều để được học tập. Đó là tia hy vọng duy nhất cho tương lai tốt đẹp hơn".
Đức Trung (Theo CNN)