Kết thúc đợt xét tuyển đại học, thí sinh Bùi Kiều Nhi (trú xã Đức Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) và gia đình vui mừng khi biết Nhi trúng tuyển vào Học viện chính trị Công an nhân dân với số điểm 29. Nhi dự thi khối C được 27,5 điểm, trong đó Văn 8,75, Sử 9 và Địa 9,75. Em được ưu tiên khu vực 1,5 điểm, nên tổng là 29 - vừa đủ điểm chuẩn dành cho thí sinh nữ thi vào trường.
Tuy nhiên, ngày 1/9 Nhi nhận được công văn của công an huyện Tuyên Hóa thông báo không đủ điều kiện nhập học. Thông báo ghi rõ Bùi Kiều Nhi không ghi vào lý lịch tự khai có bố từng chịu án tù. Vì sự "không trung thực" này nên em không đủ điều kiện nhập học trường trong ngành công an.
Nữ sinh Bùi Kiều Nhi. Ảnh: Hoàng Táo. |
Gia đình Nhi cho biết, bố em là ông Bùi Vĩnh Tường (sinh 1965, đã mất năm 2013), từng chịu án phạt 9 tháng tù treo từ tháng 5/1992 về tội Chống người thi hành công vụ. Ba năm sau, ông Tường lập gia đình và sinh Nhi vào năm 1997. “Em không hề biết bố từng đi tù nên không ghi vào lý lịch. Lúc còn sống, khi em nói ước mơ thi vào công an, bố chỉ động viên em theo đuổi”, Nhi cho hay.
Bà Phạm Thị Thanh Bình (mẹ Nhi) thừa nhận, có biết bố Nhi từng đi tù, nhưng không biết quy định của ngành công an nên không báo cho em biết khi làm hồ sơ. Sau khi nhận thông báo của công an huyện, bà đã đến cơ quan này nhận trách nhiệm là do bản thân dẫn đến thiếu sót trong hồ sơ của con.
Sau khi nhận được thông báo từ nhà chức trách, Nhi vẫn khao khát được học trường công an nên không gửi hồ sơ xét tuyển vào trường khác. Em đã viết thư gửi Bộ trưởng Giáo dục và Bộ Công an, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp ở nhiều cơ quan.
Trao đổi với VnExpress, GS Trương Giang Long, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, cho biết việc này thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của công an địa phương. Theo báo cáo, thí sinh Bùi Kiều Nhi dù được 29 điểm (tính cả 1,5 điểm ưu tiên), nhưng không đủ điều kiện nhập học vì khai sai lý lịch.
Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan đào tạo mà thí sinh Nhi thi vào, Học viện đã có văn bản gửi công an địa phương đề nghị kiểm tra lại kê khai lý lịch của thí sinh. Về nguyên tắc, khi kê khai thiếu là không trung thực, công an địa phương làm đúng quy định của ngành. Nhưng Học viện chia sẻ với thí sinh ở ba điểm.
Thứ nhất, bố thí sinh phạm tội trước khi lập gia đình, tức là năm 1992, sau đó một năm mới kết hôn và đến năm 1997 mới sinh Nhi. Thứ hai, bố em đã mất nên việc bố từng có án có thể em không biết. Hơn nữa thí sinh thuộc vùng xa (được ưu tiên 1,5 điểm) nên có thể nhận thức của mẹ em chưa tới, nên không kê khai. Thứ ba, nếu căn cứ vào luật thì phạm tội của bố thí sinh đã hết hiệu lực pháp luật, giá trị hình sự không còn nữa. Vì vậy, chỉ cần công an địa phương hướng dẫn thí sinh kê khai lại là có thể báo cáo với Bộ trưởng.
"Nhà trường đã đề nghị công an địa phương xem xét lại, còn họ quyết như thế nào là việc của họ, trường không thể can thiệp vào chức năng, nhiệm vụ của địa phương. Công an đã làm đúng theo luật, nhưng trong một số trường hợp, nếu cứng nhắc quá cũng thiệt thòi cho thí sinh", thiếu tướng Long cho hay.
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) cho biết đang chờ báo cáo của công an địa phương và Học viện Chính trị Công an nhân dân về trường hợp của thí sinh Bùi Kiều Nhi. Sau đó, Tổng cục sẽ xem xét, đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy định hiện hành để có trả lời chính thức cho thí sinh.
Hoàng Táo - Lan Hạ