My là sinh viên năm hai tại TP HCM, một ngày trước bị đau bụng dữ dội kèm tiêu phân nước nhiều lần, uống thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa nhưng không thuyên giảm. Nửa đêm hôm sau My đau bụng dữ dội nên được bạn bè đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cấp cứu.
My cho biết kinh nguyệt không đều nên không biết có trễ kinh không. Cô không tin chẩn đoán của bác sĩ là "mang thai ngoài tử cung", vì luôn uống thuốc ngừa thai khẩn cấp sau mỗi lần quan hệ. Kết quả siêu âm sau đó cho thấy chẩn đoán của bác sĩ là chính xác.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Phụng, Phụ trách phòng khám Sản phụ khoa Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết rất may khối thai chưa vỡ và còn nhỏ nên chỉ cần điều trị nội khoa bằng thuốc mà không phải phẫu thuật. Nhờ vậy nữ sinh tránh các biến chứng phẫu thuật đồng thời bảo tồn được vòi trứng cho khả năng sinh sản về sau.
Theo bác sĩ Phụng, đa số tình huống cấp cứu thai ngoài tử cung, người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng điển hình. Các dấu hiệu phổ biến là mót tiểu, tiểu gắt, rối loạn tiêu hóa do thai hành, kích thước khối thai cũng như máu trong ổ bụng khi khối thai vỡ làm kích thích bàng quang, kích thích đường ruột gây nhằm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa, tiết niệu, thậm chí dễ nhầm lẫn với các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, viêm nhiễm vùng chậu… Do vậy nếu người bệnh chủ quan và thầy thuốc thăm khám sơ sài sẽ rất dễ bỏ sót bệnh lý nguy hiểm này.
Thai ngoài tử cung là cấp cứu sản phụ khoa khẩn cấp, thời gian tính bằng phút, bằng giờ. Vì thế bác sĩ lưu ý thai phụ để ý các triệu chứng sớm, đến các cơ sở y tế có đủ phương tiện chẩn đoán và phẫu thuật sớm giúp tiên lượng tốt, có thể được điều trị nội khoa không cần phẫu thuật, nhờ đó bảo tồn khả năng sinh sản về sau.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Lan giải thích: Thai ngoài tử cung nghĩa là trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung. Hơn 95% thai đóng ở ống dẫn trứng, ngoài ra ở các vị trí như thai đóng ở đoạn bóng, loa, eo, đoạn kẻ, loa vòi trứng hoặc sừng tử cung. Ngoài ra, các tình huống ít gặp hơn như thai ở vết mổ cũ, cổ tử cung, buồng trứng và trong ổ bụng.
Tất cả yếu tố ngăn cản hay làm chậm trễ sự di chuyển của trứng từ nơi thụ tinh đến buồng tử cung đều có thể gây ra thai ngoài tử cung. Chẳng hạn như viêm vùng chậu, tác nhân quan trọng gây tổn thương vòi trứng là Clamydia trachomatis, lạc nội mạc tử cung, sử dụng thuốc tránh thai, đặc biệt là ngừa thai khẩn cấp, thuốc ngừa thai chỉ chứa progesteron, dụng cụ tử cung chứa progesteron, triệt sản, điều trị vô sinh, phẫu thuật vùng chậu trước đó như phẫu thuật trên ống dẫn trứng, bóc nang buồng trứng, gỡ dính vùng chậu...
Thai ngoài tử cung là bệnh lý không tránh được nhưng có thể phòng ngừa. Chị em hạn chế đáng kể bệnh lý này nếu khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện và điều trị các bệnh lý viêm nhiễm không triệu chứng. Phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được tư vấn các biện pháp ngừa thai hợp lý của bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa như thuốc ngừa thai uống hằng ngày, bao cao su, dụng cụ tránh thai…, tránh để mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai nhiều lần. Chị em cũng phải biết cách sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, tránh tự ý dùng nhiều lần. Khi đau bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tiết niệu trong lúc ra huyết, hành kinh hay trễ kinh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi