![]() |
Nữ sĩ Ngân Giang. |
Bà tên thật là Đỗ Thị Quế, sinh năm 1916 tại Hà Nội, trong một gia đình Nho học. Bà kể: "Năm lên 6 tuổi, theo người bác ra sân ga, nhìn những con tàu ra vào ga, buồn quá tôi bỗng thốt lên: Tàu về, rồi tàu lại đi/ Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga. Lúc ấy, tôi không tài nào hiểu được vì sao bác tôi lại nắm lấy đôi vai nhỏ bé của tôi nhìn rất lâu, rồi lắc đầu bảo: Sau này cháu tôi lại khổ thôi". Từ đó, ông bác dành nhiều thời gian để dạy cháu mình làm thơ, phú, dịch Đường thi.
Năm 8 tuổi, bà đăng bài thơ đầu tiên Vịnh Kiều với bút danh Nguyệt Quyên. Đọc sách Phật thấy mình mắc nhiều tội lỗi quá nên bà quyết định quyên sinh. Rất may là người nhà kịp thời phát hiện và cứu chữa. Năm đó, bà mới 9 tuổi.
Năm 16 tuổi, bà in tập thơ đầu tiên Giọt lệ xuân tại Nhà xuất bản Tân Dân. Tài thơ phú bẩm sinh, xinh đẹp, hoạ hay, đàn giỏi, lại thêu thùa rất khéo nên bà là niềm mơ ước của bao tài danh xứ Bắc Hà. Hiểu rõ con gái mình, ông đồ nho Đỗ Hữu Tài muốn cho con yên bề gia thất sớm. Không chịu sự sắp đặt của cha, bà cố tình bỏ trốn nhưng không được. Nhưng rồi tổ ấm không giữ nổi con tim sôi nổi, ưa hoạt động của bà. Năm 21 tuổi, nữ sĩ cho xuất bản cuốn Duyên văn và dời Hà Nội vào Sài Gòn viết cho Điện Tín nhật báo và Mai. Sau đó, bà trở ra Hà Nội viết cho Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Đàn bà. 4 năm sau, tập thơ Tiếng vọng sông Ngân ra đời đã đưa bà lên vị trí những người được yêu thích nhất trên thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ.
Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Ngân Giang hăng hái đeo ba lô, bồng con nhỏ lên đường. Hai năm sau đó quay về nội thành, không nơi nương tựa, thân gái bơ vơ, bà đã chọn con trai tuần phủ Hà Đông để lấy.
Cách mạng thành công, Ngân Giang bắt đầu rơi vào quên lãng. Ở tuổi 41, bà bị buộc rời khỏi Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội. Bà nói: "Ra khỏi biên chế nhà nước bấy giờ là chuyện kinh khủng. Biết làm gì để nuôi sống gần chục đứa con đây. Chết không được đành sống". Ngày ngày, bà ra bãi sông Hồng quét lá khô để bán. Tối về rửa bát thuê. Làm quần quật như vậy nhưng cũng chỉ đủ tiền mua gạo nấu cháo cho những đứa con lay lắt sống qua ngày.
Bạn bè, người yêu thơ Ngân Giang đến thăm bà không ai cầm nổi nước mắt. Rồi bà được nhận vào HTX thêu ren. "Một bận người ta phát động chống tiêu cực, tôi mạnh dạn vạch mặt kẻ tham ô, nào ngờ tham ô thì không chết mà mình bị đuổi việc", bà kể. Không đủ sức để ra bờ sông quét lá nữa, bà đành ra đầu đường mở quán bán hàng nước. Tới giờ, thơ văn của bà mới lại được nhắc tới và trân trọng trở lại. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ngân Giang viết như một dòng sông tuôn chảy, bất chấp những bất hạnh chồng chất và thiếu thốn áo cơm.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)