Cô Proudman nhắn tin lại cho ông luật sư kia cáo buộc một cách đanh thép là lời khen của ông ta thể hiện một sự phân biệt đối xử với nữ giới.
Theo cô Proudman, ông luật sư đã ‘tính dục hóa’ một cá nhân người nữ: trong bối cảnh giao tiếp chuyên nghiệp (trang LinkedIn là trang mạng xã hội dành cho tuyển dụng và liên kết chuyên nghiệp), ông ta lại chỉ chăm chăm vào vẻ bề ngoài của một người phụ nữ thay vì chú tâm vào năng lực chuyên môn của cô ta. Với cô Proudman, ông ta đã nhìn cô, một cách thiển cận, như nhìn một người đàn bà đẹp, thay vì nhìn cô, một cách đường hoàng, như một luật sư trẻ có năng lực và triển vọng.
Cô Proudman đăng trao đổi tin nhắn giữa cô và ông luật sư kia lên các trang mạng xã hội. Vụ việc lập tức dấy lên các tranh cãi trên truyền thông Anh về sự đối xử phân biệt với nữ giới cả trong và ngoài ngành luật.
Nhiều ý kiến ủng hộ cô Proudman cho rằng việc làm của cô là cần thiết và dũng cảm khi sự phân biệt với nữ giới trong bối cảnh chuyên nghiệp tại Anh vẫn còn. Cụ thể, một số nữ sinh viên than phiền từng bị gạ "đổi tình lấy việc", một số phụ nữ than phiền khi bị các nam đồng nghiệp dùng những ngôn từ khiếm nhã bình phẩm vẻ ngoài của họ. Theo số liệu năm 2012, hơn 30 năm sau khi Anh quốc có luật bình đẳng thu nhập, nữ giới vẫn có thu nhập thấp hơn nam giới 19,1% tại Anh.
Nhiều ý kiến phản đối thì cho là cô Proudman "chuyện bé xé ra to", biến một lời khen vô hại thành một vấn đề phân biệt giới to tát, thậm chí đặt câu hỏi sao cô Proudman không đổi tên thành Proudperson trước đi.
Tôi hỏi ý kiến một số nữ đồng nghiệp của mình và nhận được các phản hồi đa dạng.
Susan đã hơn 12 năm trong nghề, chỉ cười mà bảo cô Proudman là "kẻ rách việc". Theo Susan, phân biệt giới tính hiện nay đã đỡ hơn xưa rất nhiều rồi, và một lời khen vẻ bề ngoài một cách lịch sự luôn được cô đón nhận vui vẻ chẳng suy tư gì. "Bọn tôi mặc đẹp đâu chỉ để tự ngắm mình đâu", Susan cười nói.
Susan cho rằng, vấn đề không nằm ở những lời nói vô thưởng, vô phạt trong giao tiếp mà ở chính sách tuyển dụng và thăng cấp trong ngành.
Một thực tế là dù nữ giới chiếm hơn 60% số luật sư tại Anh, rất khó để các nữ luật sư được trả lương cao hơn hay có cơ hội thăng tiến lên các chức vụ cao hơn trong các công ty luật. Tỷ lệ nam giới là thành viên hợp danh (partner) trong ban điều hành các công ty luật lớn vẫn cao hơn tỷ lệ nữ giới rất nhiều. Vì thế, có rót mật vào tai nữ giới mà không cho họ bình đẳng cơ hội và thu nhập thì cũng chả giải quyết được gì.
Kya, trẻ hơn Susan và vào nghề trước tôi hai năm, không thích thú với việc đàn ông bình phẩm về phụ nữ bằng những ngôn từ khiếm nhã. Là một người dùng Facebook và Twitter thường xuyên, cô luôn chướng mắt với những lời comment theo chiều hướng tôn vinh sự gợi dục mà nhiều người đàn ông hay đưa ra trên các mạng xã hội có phần tự do và hổ lốn hơn LinkedIn này.
"Khó hiểu hơn thế nữa là cách một số phụ nữ trẻ đón nhận những comment đó rất thản nhiên, thậm chí hứng thú", cô nói.
Vì thế Kya cho rằng một sự lên tiếng, dù có vẻ "bé xé to" thật, như cô Proudman đã làm là cần thiết. "Mọi sự im lặng, cho qua dễ dãi đều chỉ duy trì thực tế đang có". Và thực tế đang có vẫn là nữ giới chưa có được sự bình đẳng thật sự về cơ hội và thu nhập, cũng như về cách họ được nhìn nhận trong mắt nam giới.
Cá nhân tôi thì nghiêng về phía không ủng hộ việc làm của cô Proudman. Tôi cảm thấy mặc dù ý định của cô tốt, việc đăng tự tiện tin nhắn cá nhân với một đồng nghiệp khác lên mạng xã hội của cô có vẻ không lịch duyệt, và những rao giảng của cô từ một lời khen tưởng chừng vô hại có vẻ là thái quá.
Phải đến tuần vừa rồi, tôi mới phát hiện sự 'thái quá' của cô Proudman có lẽ có nguồn gốc từ truyền thống.
Tôi đi coi bộ phim Suffragette của Anh vừa mới ra rạp. Phim có một loạt các nữ diễn viên nổi tiếng như Helena Bonham-Carter và Carey Mulligan, cùng sự góp mặt của một gương mặt gạo cội, Meryl Streep. Họ vào vai những người phụ nữ Anh quyết liệt đứng lên đòi quyền bầu cử cho nữ giới đầu thế kỷ 20.
Những người phụ nữ Anh, không phân biệt xuất thân, giai cấp, học vấn, đã cùng đoàn kết đấu tranh giành quyền được ứng cử và đi bầu như những người cha, anh em, chồng và con trai của họ.
Năm 1913, Emily Wilding Davison, một nhà hoạt động, chọn việc chạy ra cản mũi ngựa đua trong một cuộc đua ngựa có sự tham dự của vua Anh George Đệ Ngũ. Cái chết ngay tức thì dưới móng ngựa của cô thổi bùng phong trào đấu tranh của phụ nữ Anh quốc.
Họ chiến thắng sau nhiều đau khổ và hy sinh. Từ năm 1928, phụ nữ tại Anh được toàn quyền bầu cử như nam giới.
Tôi bước ra khỏi rạp phim mà vẫn cảm thấy cảm động. Hóa ra phong trào nữ quyền của Anh đã có một khởi đầu bạo liệt đến vậy.
Chả trách mà truyền thống tôn trọng nữ giới của người Anh mạnh hơn các nước khác đến thế. Nó không đơn thuần đến từ một phía của những đấng mày râu, mà từ sự dũng cảm bất khoan nhượng của bản thân những người phụ nữ Anh.
Kỳ Nam