Giáo sư Thạch Chính Lệ, phó giám đốc Viện Virus học Vũ Hán, người được mệnh danh là nữ "người dơi" Trung Quốc, cho biết nghiên cứu về virus đòi hỏi chính phủ cũng như cộng đồng khoa học phải minh bạch trong công bố phát hiện và có tinh thần hợp tác. Bà Thạch chia sẻ "rất đáng tiếc" khi khoa học bị chính trị hóa.
"Nếu muốn ngăn nhân loại lây nhiễm dịch bệnh truyền nhiễm tiếp theo, chúng ta phải nghiên cứu trước những virus chưa từng biết ở động vật hoang dã trong tự nhiên và sớm đưa ra cảnh báo. Nếu chúng ta không nghiên cứu, một dịch bệnh khác có khả năng sẽ bùng phát", bà Thạch nhấn mạnh.
Cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CGTN diễn ra khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc bắt đầu tại thủ đô Bắc Kinh. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên ngày càng căng thẳng trong những tháng gần đây giữa cáo buộc từ chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng nCoV có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên.
Theo bà Thạch, những đặc điểm của virus mà bà nghiên cứu không tương thích về mặt di truyền với nCoV. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, nhà virus học từng lấy cả tính mạng để thề, phòng thí nghiệm của bà không liên quan tới nCoV, virus gây Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán hồi tháng 12/2019. Vương Diên Dật, giám đốc Viện Virus học Vũ Hán, cũng khẳng định những cáo buộc virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở viện của bà "hoàn toàn là vu khống".
Năm 2005, giáo sư Thạch và cộng sự chứng minh dịch SARS do một virus ở dơi gây ra và truyền sang người. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi virus corona ở dơi từ sau đó, cảnh báo một số chủng đặc biệt thích hợp gây đại dịch ở người. Trong báo cáo năm 2017, sau gần 5 năm thu thập mẫu phân dơi tại hang động Vân Nam, họ tìm thấy virus corona ở nhiều cá thể thuộc 4 loài dơi khác nhau, bao gồm dơi móng ngựa. Đầu tháng 1/2020, nhóm nghiên cứu của giáo sư Thạch phát hiện trình tự gene của nCoV tương đồng tới hơn 96% với chủng virus corona mà họ từng phát hiện ở loài dơi móng ngựa tại Vân Nam. Kết quả này được công bố trên tạp chí Nature ngày 3/2.
An Khang (Theo Caixing Global)