"Thóc, đi thôi con", chị Lan cất tiếng gọi con bước đến điểm tập kết rác trên đường Kim Mã, quận Ba Đình lúc 3h chiều 25/12. Xích cái xe đạp vào cột điện, nữ công nhân thuộc Tổ môi trường số 8, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, lấy chiếc xe thăng bằng đưa cho con trai rồi hai mẹ con bắt đầu ca làm việc.
Công việc của chị Lan là đẩy xe rác đi thu gom khắp các ngõ ngách trên đường Kim Mã về điểm tập kết, từ 3h chiều đến 2h sáng hôm sau, tổng quãng đường di chuyển hơn 8 km.
"Mấy tháng nay lương giảm vì dịch, tiền trọ, phí sinh hoạt lớn, cực chẳng đã mới đưa con cùng đi làm. Ban ngày còn đỡ, nhưng đêm xuống, nhiệt độ giảm mạnh rét vô cùng", chị Lan nói và cho biết cứ đến tối phải lấy mũ, khăn len trùm kín đầu, mặc thêm áo khoác để con đỡ rét. Hôm nào gặp mưa lớn chị phải gửi con ở bãi xe gần chỗ làm, nhờ bảo vệ trông giúp.
Chiều nay, hai mẹ con sẽ thu rác trong làng Vạn Phúc, quận Ba Đình trước. Con đường nhỏ dẫn vào ngõ lắt léo, nhiều ngóc ngách, bé Thóc đạp xe đi trước, chị gồng mình đẩy xe rác đi sau. Đến điểm thu gom, cậu bé dừng lại, bỏ xe dưới đất rồi ngồi im trên bậc thềm chờ mẹ. "Thằng bé ngoan lắm, không quấy khóc. Nói chưa sõi nhưng điểm nào cần thu rác nó nhớ hết", một người dân ra đổ rác, đã quen với hình ảnh bé Thóc đạp xe theo mẹ đi làm, nói.
Lượng rác lớn, một ca làm kéo dài gần 11 tiếng, hai mẹ con phải đi trung bình 7 – 8 chuyến, mỗi chuyến chừng 50 phút. Cao chưa đến mét rưỡi, nặng 44 kg, chị Lan khá chật vật với những xe rác cao gấp đôi người. Vừa đẩy xe về bãi tập kết, chị ngồi thụp xuống, thở gấp, tay chân mỏi rã rời, mắt vẫn dõi theo con đang chơi trên vỉa hè.
"Thời gian đầu theo mẹ đi làm thằng bé phải đi bộ, nhiều lúc mỏi chân lại đòi nghỉ. Hơn một tháng nay người trong làng cho chiếc xe thăng bằng cũ, cu cậu có xe đi, tôi cũng đỡ vất vả hơn", chị cười.
Chị Lan là mẹ đơn thân, làm công nhân môi trường với mức lương 6 triệu đồng một tháng. Mười lăm năm trước, chị có con với một người đàn ông nhưng sau đó chia tay. Nay con trai lớn 16 tuổi, mắc chứng suy giảm trí nhớ, học hết lớp xoá mù chữ rồi nghỉ. Năm 2019, chị quen một người khác rồi sinh bé Thóc, nhưng sau người này cũng bỏ đi. Để có tiền nuôi con, chị lăn lộn đủ nghề từ bán hàng nước, làm xưởng may theo thời vụ, sau được giới thiệu làm công nhân môi trường. Chị nói công việc này tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định, không sợ mất việc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Tổ trưởng tổ môi trường số 8, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, chi nhánh Ba Đình (Urenco 1) cho biết, hoàn cảnh gia đình chị Lan rất khó khăn. Bố mất, mẹ hơn 70 tuổi, thuê nhà ở Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, sức khoẻ yếu, đang chăm con trai lớn của chị Lan, lại phải mưu sinh nên không thể trông thêm cháu thứ hai.
Ngoài công việc chính, Lan tranh thủ nhặt thêm chai nhựa, bìa carton để bán, ngày kiếm khoảng 50.000 đồng. Một hai buổi sáng trong tuần, chị nhận dọn nhà thuê, được trả công 100.000 đồng mỗi ca ba tiếng.
Theo bà Vân, lúc mới vào làm, không ai trong tổ nghĩ Lan có thể đảm đương công việc vì thân hình nhỏ, xe rác nặng. Nhưng nay chị vẫn bám trụ và hoàn thành tốt công việc được giao. Biết Lan đưa con đi làm, đồng nghiệp nhường chị thu gom rác ở đường làng, xóm ngõ để có thời gian để mắt tới con.
"Thằng bé ngoan ngoãn, lễ phép lắm, chứng kiến cảnh mẹ đẩy xe rác, con lẽo đẽo theo sau trong đêm đông rét căm căm, ai thấy cũng quặn lòng", Tổ trưởng tổ 8 thở dài.
Trời chập choạng tối, đang thu gom rác và lượm phế liệu bỏ riêng để bán, chị giật giọng gọi con khi thấy một túi đồ chơi bỏ đi. "Con voi, ôtô, búp bê này mẹ", Thóc bập bẹ nói. Đồ chơi trong túi đa phần đều hỏng, một số cái đã biến dạng, nhưng trong mắt cậu bé đều là đồ mới.
"Đồ người ta bỏ đi mà con mình quý như vàng", chị thở dài trong lúc con trai cười tít mắt, tay cầm chiếc ô tô còn đúng một bánh xe ra góc đường chơi, để mẹ làm việc.
Chừng 7 giờ tối, trong lúc chờ xe tải đến thu gom chở rác sang bãi Nam Sơn, hai mẹ con tranh thủ ăn gói mì rồi tiếp tục việc dọn vệ sinh hè phố. Tan làm, chị đưa con về phòng trọ, tắm rửa và nấu ăn tối, sau mới ngủ - khi đã gần 4 giờ sáng.
Thấy đưa con đi làm trong thời gian dịch bệnh, không ít người khuyên Lan tìm cách gửi con. Nhưng gia đình neo người, tiền chưa có, chị nói đang cố tích góp để qua Tết khi dịch ổn sẽ tính cách để con không phải lẽo đẽo theo mẹ đi làm vào những đêm đông lạnh giá.
Mấy ngày trước, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip dài 16 giây ghi cảnh bé Thóc đạp xe theo mẹ gom rác giữa đêm đông khiến nhiều người xúc động. Theo người chia sẻ, thời điểm quay clip đã hơn 11 giờ đêm.
Sau khi chia sẻ, clip nhận hàng trăm nghìn lượt yêu thích, nhiều người không quen biết đã để lại bình luận đồng cảm. "Em bé đang đạp xe thấy mẹ dừng cũng phanh bằng chân, mắt vẫn dõi theo mẹ. Mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mẹ con chị ấy", người dùng có tên Khánh Vy viết.
Quỳnh Nguyễn