Xưởng nặn tượng của Nguyễn Trang Sơn Tuyền (27 tuổi) là một góc nhỏ khoảng 10 m2, nằm bên khung cửa sổ để mở của phòng khách căn nhà ở TP Tân An. Trên bàn gỗ nhỏ, một máy tính luôn mở sẵn, nhiều mẫu tượng được khách đặt hiển thị trong màn hình. Quanh chiếc bàn, hàng chục cọ vẽ, dao khắc với kích cỡ khác nhau nằm một góc, các mẫu đất sét, màu vẽ đa dạng cũng được sắp xếp ngăn nắp. Một chiếc đèn nhỏ có chụp đặt bên cạnh, dành làm việc vào đêm, hoặc với những mẫu tượng có chi tiết phức tạp.
Sáng sớm, sau khi nhận đơn hàng hơn 10 tượng, Tuyền cẩn thận xem hình mẫu khoảng vài phút, rồi mở túi nylon lấy một số mẫu đất sét, dùng bàn tay nhào nặn đều đặn, pha thêm màu. Những lưỡi dao khắc lia đều đặn quanh viên đất, lát sau, một mặt người dần hiện ra. Cô tỉ mỉ vẽ những mẫu đất nhỏ li ti, để tạo hình mắt và chân mài, rồi dùng cọ vẽ tô môi, mặt cho nhân vật.
"Mọi thứ đều nhỏ xíu nên đòi hỏi người nặn tượng phải tập trung cao, với các tượng theo yêu cầu nhân vật, khuôn mặt phải vừa giống người thật ngoài đời đồng thời có thần, sống động chứ không được đơ cứng", Tuyền nói.
Cô cho biết, để rút ngắn thời gian, phần thân nhân vật và giá đỡ được làm từ những ngày trước đó. Sau khi phần đầu khô, chỉ việc ghép vào, rồi tạo hình quần áo, giày dép, nón, trang trí hộp đựng.
Ba giờ chiều, hai bức tượng cô dâu mặc váy đỏ, chú rể áo vest đen ngộ nghĩnh cao khoảng 10 cm được hoàn thành. Cô gái 27 tuổi cẩn thận đối chiếu lại sản phẩm với hình mẫu lần cuối, trước khi giao cho khách.
Cái duyên cùng nghề nặn tượng đến với Tuyền bốn năm trước, khi cô đang là sinh viên năm cuối, chuyên ngành Thiết kế đồ họa, Đại học Văn Lang TP HCM. Một lần, Tuyền tình cờ đọc được thông báo tuyển dụng của một cửa hàng chuyên nặn tượng. Do trước đó, cô đam mê nghề vẽ, đã học qua về tỷ lệ cơ thể người, cách pha màu, thấy hay nên xin vô làm thử.
Ban đầu, cô chỉ được giao nặn các tượng đơn giản như móc khóa hình con vật. "Một lần chủ nhận hàng số lượng lớn, sợ không kịp giao nên đánh liều cho tôi nặn thử tượng người, sau đó mình bắt đầu vừa làm vừa học từ từ", Tuyền nói.
Sau khi tốt nghiệp, do mê nặn tượng, Tuyền tiếp tục làm tại cửa hàng cũ một năm nữa, rồi quyết định bỏ chuyên ngành đã học, rời TP HCM, về quê mở xưởng làm tượng riêng. Chị lập một cửa hàng online trên mạng xã hội, để khách tiện theo dõi, đặt hàng.
Thời gian đầu, do chưa quen, một sản phẩm phải mất 2-3 ngày mới hoàn thành. Nhiều tượng sau khi làm xong, khách xem chê xấu, buộc cô phải sửa đi sửa lại nhiều lần hoặc bỏ hẳn làm lại. Không nản lòng, Tuyền lên mạng xem lại các video hướng dẫn tạo hình bằng đất sét, cùng các sản phẩm tương tự để rút kinh nghiệm cho các lần sau.
Chị bảo, trước đây, do chưa nhận đặt cọc khách trước, nên nhiều đơn hàng làm xong tốn nhiều thời gian, công sức lẫn chi phí nhưng sau đó bị họ bỏ.
Sau bốn năm trong nghề, với sự giúp đỡ của chồng gia công các phần phụ như đế, hộp đựng, hiện mỗi ngày chị có thể làm 3-4 tượng, từ tượng chipi nặn theo nhân vật thật, tượng móc khóa động vật đến nhân vật hoạt hình, nhân vật truyện dân gian.
Mỗi tháng, xưởng làm được khoảng 50-60 tượng, tùy theo kích cỡ, yêu cầu mỗi tượng sẽ có giá từ 300.000 đến vài triệu đồng. Hiện sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng Tuyền thu nhập khoảng 20 triệu đồng. "Tôi đang tiếp tục học hỏi, rút kinh nghiệm để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, hướng sắp tới là nhận các đơn hàng ngoài nước", chủ xưởng nói.
Hoàng Nam