Ngày cuối tháng 3, tại nhà riêng ở xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, chị Thủy, 31 tuổi, ngồi cấy đông trùng hạ thảo lên giá thể để kịp giao cho khách hàng. Công việc này gắn bó với chị từ năm 2016, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Chị Thủy sinh ra trong gia đình bố mẹ làm giáo viên ở xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị đến Thái Nguyên làm cho công ty nông lâm nghiệp với công việc nuôi cây mô sâm Ngọc Linh và sản xuất đông trùng hạ thảo, loại dược liệu có giá trị kinh tế cao. Khi công ty mở chi nhánh tại Quảng Nam, chị chuyển về.
Năm 2018, chị kết hôn với anh Đặng Xuân Lợi, 31 tuổi, là kỹ sư hóa học. Vợ chồng trẻ dựng căn nhà cấp bốn ở quê chồng, xã Tam Anh Nam sinh sống. Lúc mang bầu con đầu lòng, do gặp vấn đề sức khỏe, chị xin thôi việc. Quanh quẩn ở nhà thấy chán nên chị đã mua đông trùng hạ thảo của công ty cũ về bán và tự hỏi "sao không tự sản xuất". Ở quê đất vườn rộng hơn 3.000 m2, nguyên liệu làm đông trùng hạ thảo lại sẵn có, giá rẻ.
Là kỹ sư công nghệ sinh học, chị bàn với chồng sản xuất đông trùng hạ thảo. Chồng ủng hộ, nhưng bố mẹ ngăn cản vì vốn đầu tư lớn, lo con thất bại lâm nợ nần. Chị phải kiên trì giải thích đây là chuyên ngành của mình nên sẽ làm được.
Để con nhỏ cho bố mẹ và chồng chăm sóc, năm 2020 chị Thủy đi nhiều tỉnh thành tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm. Sau hơn nửa năm tìm hiểu, chị dành hết vốn liếng tích góp, huy động thêm bạn bè được 500 triệu đồng để cải tạo căn nhà cấp bốn rộng gần 200 m2, biến phòng ngủ 18 m2 thành nơi nhân giống, phòng 30 m2 nuôi trồng đông trùng hạ thảo.
Đợt đầu chị Thủy bỏ ra 100 triệu đồng mua giống và vật liệu khác. Sau khi nhân giống lên các giá thể, chị cho đông trùng hạ thảo vào phòng nuôi, nhưng được thời gian ngắn thì chết do ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm chưa phù hợp. "Kiến thức sách vở, Internet, học hỏi từ nhiều người vẫn chưa đủ, tôi phải trực tiếp làm thì mới vỡ ra", chị Thủy nói. 100 triệu mất trắng là bài học đầu tiên khi khởi nghiệp.
Lần thứ hai, chị lại đầu tư 100 triệu đồng, khắc phục nhược điểm của mẻ trước, giống trồng phát triển tốt. Nhưng hè năm 2021, máy điều hòa ở phòng nuôi hỏng, hàng nghìn hộp đông trùng hạ thảo bị hỏng. Loại nấm này thích hợp trong môi trường 18 độ C, nếu không đáp ứng thì sau một giờ sẽ bị sốc nhiệt. "Đổ bỏ cả mẻ tiếc lắm, nhưng đổi lại mình có được kinh nghiệm xương máu", chị kể.
Để có vốn tiếp tục đầu tư, chị Thủy dành hết tiền lương của chồng và vay mượn người thân được 100 triệu đồng. Chị lắp thêm máy lạnh đề phòng trường hợp bị hỏng thì có cái khác thay thế; lắp thiết bị tự động theo dõi nhiệt độ, độ ẩm. Ngoài dùng điện lưới, chị mua thêm máy phát điện. Sau 80 ngày trồng, 1.000 hộp đồng trùng hạ thảo phát triển tốt. Từ mẻ thứ ba thành công, chị có được nguồn giống để tiếp tục sản xuất, giảm tiền đầu tư.
Chị Thủy sản xuất hai loại nấm đông trùng hạ thảo. Một loại nuôi cấy từ gạo lứt, nhộng tằm và nước dừa. Loại còn lại là gạo lứt, tảo xoắn spirulina và nước dừa để bán cho người ăn chay. Sau khi cấy giống vào giá thể, nấm được nuôi trong phòng tối 5-7 ngày, khi tơ nấm phát triển thì nuôi trong phòng sáng.
Mỗi năm, chị Thủy sản xuất ba đợt đông trùng hạ thảo vào mùa xuân, thu và đông. Riêng mùa hè, thời tiết khắc nghiệt nên trồng năng suất không cao. Nấm thu hoạch được sấy khô dùng nấu nước, ngâm mật ong, rượu.
Từng buôn bán đông trùng hạ thảo nên chị Thủy có nhiều mối khách quen. Chị còn bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và xây dựng chi nhánh ở nhiều tỉnh thành. Nuôi trồng đông trùng hạ thảo không tốn thời gian, mỗi đợt chỉ bận khoảng 10 ngày đầu và 10 ngày cuối khi thu hoạch. Nấm thu hoạch được máy móc chế biến, giảm công lao động.
Ngoài tự sản xuất, chị Thủy đã chuyển giao công nghệ cho nhiều người khác và hợp tác thu mua. Cuối năm 2022, do công việc quá tải nên chồng chị, anh Đặng Xuân Lợi, nghỉ việc về nhà giúp vợ. Mỗi ngày chị sản xuất giống, anh Lợi sẽ chuyển đến cho các nơi liên kết nuôi trồng. Anh còn thay vợ đi nhiều tỉnh thành mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác.
Hiện vợ chồng chị đầu hơn một tỷ đồng cho cơ sở với ba phòng nuôi, một phòng sản xuất giống và một phòng bảo quản đóng gói sản phẩm. Mỗi năm, họ bán hơn 100 kg đông trùng hạ thảo, giá 5-15 triệu đồng/kg. Ngoài ra, họ còn cùng năm người bạn thân thành lập hợp tác xã với vốn điều lệ 500 triệu đồng, doanh thu mỗi năm hơn một tỷ đồng. Ngoài trồng nấm, sản xuất giống, hợp tác xã còn thu mua lúa xay xát làm nguyên liệu.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo của chị Thủy đã đạt sản phẩm OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) tỉnh Quảng Nam năm 2022. Chị là một trong 43 người được trao giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn về nhà nông trẻ xuất sắc năm 2023. "Ngoài sản phẩm ngâm mật ong, rượu và nấu nước uống, tôi chế biến bánh đông trùng hạ thảo", chị nói, cho biết đang nghiên cứu nước đông trùng hạ thảo để tăng giá trị sản phẩm.
Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch xã Tam Anh Nam, đánh giá chị Thủy là gương điển hình của xã với mô hình mới lạ. Từ cơ sở của mình, chị đã thành lập hợp tác xã bao tiêu sản phẩm của người dân trồng lúa. "Các sản phẩm được đem đi kiểm nghiệm thường xuyên và cho kết quả chất lượng cao. Ngoài nấm bán, Thủy đã nghiên cứu làm bánh để nâng cao giá trị, đa dạng sản phẩm", ông nói.