Trước trận quyết đấu với Sài Gòn FC ở giai đoạn II, câu chuyện về vụ hụt chức vô địch của Hải Phòng năm 2016 được nhắc đến. Bởi, HLV Trương Việt Hoàng chính là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.
Hải Phòng dưới tay ông Hoàng là một tập thể không có ngôi sao lớn nhưng thi đấu gắn kết và chặt chẽ. Họ đứng đầu sau lượt đi, tràn đầy cơ hội lên ngôi ở cuối mùa. Nhưng rồi, những sơ sảy liên tiếp ở những vòng cuối khiến họ phải dâng chức vô địch cho Hà Nội T&T, tiền thân của CLB Hà Nội. Dù từng đứng đầu suốt 20 vòng và có lúc tạo được cách biệt 14 điểm, cuối cùng Hải Phòng phải về nhì vì kém chỉ số phụ.
Tuột chức vô địch khi đã nắm mọi lợi thế trong tay là trải nghiệm mà ông Hoàng gọi là "đau đớn, thất vọng, tủi hờn" và là "điều tiếc nuối lớn nhất" trong tâm thư chia tay đội bóng đất cảng cuối mùa trước. Sau năm năm dẫn dắt Hải Phòng, ông quyết định tới Viettel tìm thử thách mới.
Sự hội ngộ của ông và đội bóng được gọi là "Hậu duệ Thể Công" có thể gọi là đúng người, đúng thời điểm. Trương Việt Hoàng có tài, nhưng Hải Phòng ngày càng thiếu tham vọng khi các mùa sau đó dần chia tay những cầu thủ tốt nhất, và không còn muốn tranh đấu cho các vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, Viettel có tiền, có thực lực nhưng suốt mùa 2019 - mùa giải đầu tiên lên chơi V-League - loay hoay tìm người lèo lái. Họ bắt đầu chiến dịch bằng đội ngũ huấn luyện Hàn Quốc, nhưng thất bại, và phải dùng lại bộ sậu từng đưa CLB lên hạng nhưng nhìn chung vẫn bất ổn.
HLV Trương Việt Hoàng, một cựu cầu thủ đã vô địch quốc gia cùng Thể Công, là "Người Được Chọn". Nằm trong thế hệ vàng của bóng đá quân đội, ông Hoàng, cũng như các cựu cầu thủ Thể Công khác, luôn mang khát khao được thấy lại vinh quang của hơn hai thập kỷ trước. Và chính nỗi niềm ấy của người lính năm nào đã góp phần vào chức vô địch của Viettel mùa này.
Kể cả Viettel không vô địch, những gì ông Hoàng làm cho đội bóng thủ đô là rất đáng ghi nhận. Ông áp đặt lối chơi phòng ngự chắc chắn và giải quyết các lỗ hổng của hàng phòng ngự tồn tại từ mùa trước. V-League 2019, Viettel sở hữu hai trung vệ tuyển quốc gia, nhưng thủng lưới tới 40 bàn sau 26 trận. Đây là con số khó chấp nhận với một đội bóng cạnh tranh vô địch. Phong độ của Bùi Tiến Dũng, đặc biệt Quế Ngọc Hải thực sự phập phù, đến mức người hâm mộ tự hỏi tại sao anh đá cho đội tuyển hay như vậy mà về Viettel thì chơi như trung vệ hạng hai.
Mùa này, không còn sự lỏng lẻo nơi hàng thủ Viettel nữa. Dưới tay HLV Trương Việt Hoàng, họ trở thành đội phòng ngự hay nhất giải khi chỉ thủng lưới 16 bàn. Lịch sử V-League thường chứng kiến những đội bóng có hàng thủ tốt nhất lên ngôi. Bảy vòng cuối cùng của giai đoạn II, Viettel thắng tới sáu trận, hòa một (trước Hà Nội, trận hòa vô cùng quan trọng) và chỉ thủng lưới một lần. Lối chơi mà HLV họ Trương áp dụng biến đội bóng này thành "Cỗ xe tăng" xù xì, lầm lũi với phương châm chiến thắng "chỉ một là đủ". Giai đoạn II, năm trên sáu trận thắng của Viettel có tỷ số 1-0 và tính cả mùa giải là tám trận.
Cách đá ông Hoàng áp dụng cho Viettel thể hiện sự hiệu quả tuyệt đối, thậm chí gây ức chế cho đối thủ. HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hà Nội sau trận hòa như thua trước Viettel ở giai đoạn II đã bực tức mà nói rằng "Viettel cố cắt vụn, làm chậm trận đấu, chỉ muốn kiếm một điểm". Nhưng mặc kệ ai nói gì, với ông Hoàng, chỉ cần kết quả thuận lợi là đủ. Đúng như những gì HLV lừng danh Jose Mourinho từng nói: "Nếu thắng một trận với tỷ số 10-0, bạn hủy diệt trận đấu đó, nhưng nếu thắng mười trận với tỷ số 1-0, bạn hủy diệt cả giải đấu".
Nhìn vào chức vô địch của Viettel, những người mê thứ bóng đá đẹp, nhỏ và nhuyễn - mà đại diện tiêu biểu là CLB Hà Nội - có thể cảm thấy không phục. Nhưng đó chẳng phải vấn đề với HLV Trương Việt Hoàng. Ông đã có quá đủ đau thương với Hải Phòng để hiểu rằng sự chắc chắn cần phải được ưu tiên. Và cuộc đua V-League rất khắc nghiệt, không thể cứ bung sức đá thắng tưng bừng vài trận rồi hụt hơi ở thời khắc quyết định. Với sức mạnh của Viettel, họ hoàn toàn có thể thắng lớn một vài trận nhưng sau đó sẽ là gì? Với một người đã trải qua "đớn đau, tủi hờn", ông Hoàng sẽ càng trân trọng hơn giá trị của "hạnh phúc" - như nụ hôn ông dành cho vợ trên sân Thống Nhất hôm qua.
Giờ đây, ngoài cú vô-lê thần sầu vào lưới Thái Lan năm nào hay lần gục ngã trước ngưỡng cửa vinh quang năm 2016, HLV Trương Việt Hoàng sẽ được nhớ đến như người đã vô địch quốc gia trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV.
HLV Trương Việt Hoàng là người thứ năm vô địch quốc gia trên cả hai tư cách cầu thủ và HLV kể từ khi giải vô địch quốc gia Việt Nam ra đời năm 1980, sau Lê Thuỵ Hải, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thắng. Trong đó, HLV Trương Việt Hoàng là người trẻ nhất nhưng khoảng thời gian chờ đợi lâu nhất (22 năm). |
Kim Hòa