Theo People, tấm quách cổ thuộc đời nhà Hán (206 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên), khắc hình đôi nam nữ môi chạm môi. Tấm quách được trưng bày ở thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên.
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc cho biết, đây là hình ảnh đầu tiên khắc họa nam nữ hôn nhau trong lịch sử Trung Quốc. Hai người ngồi giữa hai tán cây, tựa như trong một khu vườn lãng mạn. Do đó, họ gọi nó là "Nụ hôn Trung Hoa đầu tiên."
Đến thời Đường (618-690 và 705-907 sau Công nguyên), nụ hôn trở nên phổ biến ở Trung Quốc, là cách con người biểu đạt tình yêu với nhau. Thời đó, nhiều thơ văn cổ Trung Quốc viết về niềm vui của tình yêu và nụ hôn.
Theo Psychology Today, kinh Vệ Đà và Kama Sutra của Ấn Độ cũng có nhiều chương mô tả nụ hôn. Một số nhà nhân chủng học cho rằng, người Hy Lạp đã học người Ấn cách hôn khi Alexander đại đế xâm chiếm Ấn Độ năm 326 trước Công nguyên. Tuy nhiên, không có bằng chứng xác thực cho thấy nụ hôn khởi nguồn từ Ấn Độ.
Hồng Hạnh