Khỉ cái Yakei dẫn dắt cả đàn 677 con khỉ ở Vườn động vật học tự nhiên Takasakiyama, khu bảo tồn khỉ thành lập vào năm 1952. Có hai đàn khỉ ở khu bảo tồn trên đảo, chúng dành phần lớn thời gian lang thang trên ngọn núi ở giữa đảo. Chúng cũng ghé thăm công viên ở chân núi hàng ngày để các cán bộ phát thức ăn.
Tham vọng đối với vị trí đầu đàn của Yakei gây bất ngờ cho cả các nhà khoa học và nhân viên bảo tồn. Họ đang theo dõi sát sao để xem nó có thể duy trì vị trí tối thượng bao lâu. Với mùa sinh sản đến gần, Yakei đang rơi vào tam giác tình yêu và một số chuyên gia lo ngại nó có thể dễ dàng bị tiếm ngôi.
Khỉ tuyết hay còn gọi là khỉ Nhật Bản (Macaca fuscata) là động vật bản xứ có trí thông minh cao ở Nhật Bản. Chúng nổi tiếng với phần hông màu đỏ như củ cải đường và sở thích ngâm mình trong suối nước nóng. Trong khi nhiều động vật bao gồm ong, linh cẩu và voi sống theo chế độ mẫu hệ, hành vi tiếm quyền của khỉ cái rất hiếm gặp trong xã hội khỉ tuyết và chỉ một vài trường hợp được ghi nhận trong lịch sử linh trưởng học, theo Yu Kaigaishi, nghiên cứu sinh ở Hiệp hội xúc tiến khoa học Nhật Bản.
Xã hội khỉ tuyết có sự phân chia thứ bậc nghiêm ngặt. Một cá thể càng ở vị trí cao, cơ hội tiếp cận thức ăn, bạn tình và nơi nghỉ ngơi của nó càng lớn. Khỉ cái kế thừa thứ bậc ngay sau mẹ của chúng và hiếm khi rời đàn mà chúng sinh ra. Khỉ đực rời khỏi đàn khi trưởng thành và gia nhập đàn mới, nơi vị trí của chúng thường được quyết định bởi thời gian sống trong đàn. Tuy nhiên, khỉ tuyết đôi khi có thể leo lên thứ bậc cao hơn bằng bạo lực, đặc biệt giữa những con khỉ đực.
Yakei thay đổi suy nghĩ của các nhà linh trưởng học về khỉ tuyết. Hồi tháng 4 năm ngoái, nó đánh bại chính mẹ ruột để đoạt vị trí đứng đầu nhóm khỉ cái trong đàn. Trong khi phần lớn khỉ cái thỏa mãn với vị trí đó, Yakei tiếp tục chiến đấu. Theo nhân viên bảo tồn, Yakei đã tấn công 3 con khỉ đực ở thứ bậc cao, sau đó đối đầu với Nanchu, khỉ đực dẫn đầu cả đàn suốt 5 năm. Ở tuổi 31, Nanchu khá lớn tuổi và không phải đối thủ của con khỉ trẻ tuổi và đầy quyết tâm như Yakei.
Sau khi Yakei soán ngôi của Nanchu, nhân viên bảo tồn tiến hành "thử nghiệm hạt dẻ": phát hạt dẻ cho những con khỉ để xem con nào lấy trước. Những con khỉ đực và cái bước sang một bên để nhường Yakei ăn trước, giúp xác nhận vị trí đầu đàn của nó. Kể từ sau đó, Yakei thể hiện một số hành vi thường chỉ gặp ở khỉ đực đầu đàn như di chuyển với chiếc đuôi dựng lên và dùng thân rung lắc cành cây. Nó cư xử giống như một con khỉ đực trưởng thành, trở nên hung dữ hơn với những con khỉ khác", theo Kaigaishi.
Dù Yakei có vẻ như đang nắm chắc vị trí mới, chắc chắn nó phải đối mặt với nhiều thách thức. Thời gian thống trị của một con khỉ đực đầu đàn kéo dài từ vài tháng tới hơn một thập kỷ. Nhưng quan sát với đàn khỉ cho thấy mùa ghép đôi có thể thay đổi mọi thứ với Yakei. Thời gian ghép đôi ở khu bảo tồn thường kéo dài từ tháng 11 tới tháng 3. Trong suốt mùa sinh sản, khỉ đực và khỉ cái gắn bó theo cặp. Chúng giao phối, kiếm ăn, nghỉ ngơi và di chuyển cùng bạn tình trong trung bình 16 ngày. Sau thời kỳ này, mối quan hệ gắn bó kết thúc và khỉ cái tìm kiếm bạn tình mới. Khỉ cái thường ghép đôi với trung bình 4 con đực vào mỗi mùa sinh sản.
"Mùa ghép đôi thường hâm nóng mọi thứ trong xã hội khỉ tuyết", nhà nghiên cứu Katherine Cronin ở vườn thú công viên Lincoln tại Chicago, chuyên gia về hành vi xã hội và nhận thức của động vật, cho biết. "Môi trường trở nên cạnh tranh và căng thẳng hơn".
Trong suốt mùa sinh sản trước đó, Yakei cặp với Goro, một con khỉ đực 15 tuổi xếp ở vị trí thứ 6 trong đàn. Theo khu bảo tồn, Goro cắn vào mặt Yakei năm 2019. Hành vi này khiến phần hông của Yakei chuyển thành màu đỏ tươi, dấu hiệu chứng tỏ nó sẵn sàng coi Goro như bạn tình. Tuy nhiên, từ khi Yakei giữ vị trí đầu đàn, Goro dường như mất hứng thú với nó.
Sau đó, một con khỉ đực khác tên Luffy, 18 tuổi và xếp thứ 5 trong đàn, tìm cách quyến rũ Yakei nhưng chưa thành công. Luffy thích Yakei nhưng dường như đó là từ một phía, Satoshi Kimoto, hướng dẫn viên ở Takasakiyama, cho biết. Yakei có thể bắt cặp cả với Goro và Luffy trong mùa sinh sản năm nay. Nhưng vẻ không ưa Luffy của nó gần đây đã phát triển thành thái độ thiên về sợ hãi nhiều hơn.
"Tôi tới thăm Takasakiyama tuần trước và quan sát Yakei thể hiện biểu cảm gương mặt thường thấy ở cá thể bậc dưới đối với Luffy", Kaigaishi chia sẻ. "Ngoài ra, tôi cũng bắt gặp Luffy đẩy Yakei để độc chiếm thức ăn". Dù Kaigaishi cho rằng cần nhiều dữ liệu hơn trước khi kết luận, ông nhận định có vẻ như Luffy đang trội hơn so với Yakei.
Các chuyên gia chưa rõ hành vi của Yakei là kết quả từ việc mất quyền thống trị hay dấu hiệu nó không muốn ghép đôi với Luffy. Kimoto vẫn tin tưởng Yakei đang nắm giữ vị trí đầu đàn và sẽ không mất ngôi chỉ vì ghép đôi. Nếu Yakei tiếp tục thống trị, các nhà khoa học như Kaigaishi sẽ có cơ hội độc đáo để nghiên cứu cách đàn khỉ tuyết sinh tồn dưới sự dẫn dắt của khỉ cái.
An Khang (Theo New York Times)