Trời đã về khuya. Maria ở một mình trong phòng riêng và nghĩ đến cái chết bằng cách nhảy từ tầng 7 xuống. Chỉ còn vài tiếng nữa thôi, một ngày làm việc mới của chị sẽ bắt đầu ở phía bên kia cánh cửa và chỉ kết thúc 15 tiếng sau đó. Chị Maria cảm thấy mệt mỏi rã rời. Đã hai ngày rồi chị không có gì bỏ vào bụng, theo BBC.
Maria, không phải tên thật của người phụ nữ Philippines này, đặt chân đến Brazil khoảng hai tháng trước để làm giúp việc cho một gia đình giàu có ở thành phố sầm uất Sao Paulo, phía đông nam Brazil.
Maria làm việc từ sáng sớm tới tối khuya, không hết việc. Hàng ngày, chị giúp bà chủ chăm sóc con trai ba tuổi và một bé mới sinh. Sau đó, chị xoay qua lau dọn căn hộ rộng lớn bao gồm một phòng ăn, một phòng khách, 4 phòng ngủ khép kín với nhà tắm riêng. Xong xuôi, chị dẫn chó đi dạo. Rồi về nhà dỗ hai đứa trẻ ngủ.
Trong khi Maria làm tất cả những công việc đó, bà chủ ngồi giám sát từng chút. Một lần, vì cho rằng Maria lau mặt bàn kính chưa đủ sạch, người phụ nữ này đã bắt chị ngồi một tiếng lau đi lau lại cho đến khi mặt bàn sáng bóng. Có ngày, chủ nhà đếm thấy số lượng quần áo Maria là vẫn còn ít liền bắt chị cật lực là thêm.
Maria làm việc liên tục và không được nghỉ dù chỉ một ngày. Thậm chí, do khối lượng công việc quá lớn, chị còn không có đủ thời gian để ăn hoặc ăn không đủ no.
Những lúc như thế, về đêm, chị nằm khóc và nhớ gia đình ở quê nhà, thương mẹ già và ba con nhỏ, trong đó hai đứa bị bệnh tim bẩm sinh. Chỉ cần nghĩ đến đó thôi, chị Maria lại thấy mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chịu đựng để kiếm tiến.
"Mọi thứ quay cuồng. Tôi chỉ biết khóc", người phụ nữ 40 tuổi nhớ lại cái ngày chị định nhảy lầu tự tử. Trước kia, chị từng mong mỏi được đến Brazil làm việc nhưng thực tế lại diễn ra hoàn toàn khác tưởng tượng. Maria vẫn không hiểu tại sao mình bị đối xử tệ hại như vậy.
Sáng sớm sau cái đêm muốn lao mình từ tầng 7 xuống đất, thức dậy với bụng rỗng, Maria phải bắt tay ngay vào làm việc. Nhưng chỉ vài tiếng sau đó khi đang nấu thức ăn cho chó, không thể chịu nổi, chị đã ăn một nửa chỗ thịt dành cho con vật nuôi.
"Lúc đó, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác", Maria thổn thức kể lại.
Maria không phải là trường hợp cá biệt. Brazil có số lượng lao động làm công việc giúp việc gia đình cao nhất thế giới. Dù chính phủ không có thống kê chính thức, nhiều người làm nghề giúp việc ở Brazil bị lạm dụng và phân biệt đối xử, một số thậm chí bị đối xử như một nô lệ thời hiện đại.
Từng có kinh nghiệm làm giúp việc ở Dubai và Hong Kong, Maria không thể tưởng tượng chị sẽ gặp rắc rối ở Brazil, điểm đến đáng nhẽ ra rất hấp dẫn với mức lương 600 USD mỗi tháng.
Maria vốn là một người vui vẻ và hay cười nhưng kể từ khi làm giúp việc tại Brazil, chị trở nên buồn bã và lầm lì. Một lần Maria hỏi thẳng chủ nhà rằng tại sao đối xử với chị tệ như vậy. Bà chủ đã trả lời một cách khinh bỉ rằng vì bà ta chưa bao giờ thích chị.
Để đến được Brazil làm việc, Maria phải trả cho công ty môi giới 2.000 USD. Và thị thực lao động tại Brazil sẽ gắn với hợp đồng lao động với mỗi gia chủ. Điều đó có nghĩa là cho dù cảm thấy điều kiện làm việc tồi tệ, những người giúp việc như Maria cũng không thể bỏ đi và tìm một công việc mới. Nếu làm vậy, họ sẽ bị trục xuất về nước.
Thống kê cho thấy kể từ cuối năm 2012, đã có khoảng 250 lao động người Philippines nhập cảnh vào Brazil. Dân Brazil đặc biệt thích thuê phụ nữ Philippines vì sự chuyên nghiệp, bên cạnh đó, nhờ khả năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát, họ có thể tạo ra môi trường song ngữ cho trẻ em trong các gia đình Brazil.
Tuy nhiên, theo thanh tra về các vấn đề lao động Livia Ferreira làm việc tại văn phòng công tố nhà nước, các gia đình Brazil chuộng giúp việc người nước ngoài vì "họ không thể tìm được người Brazil sẵn sàng làm... Những thay đổi trong luật lao động đã trao thêm quyền lợi cho những người làm nghề giúp việc. Do vậy, người bản địa không còn chấp nhận điều kiện lao động như vậy nữa".
Vào năm 2013, Brazil ban hành quy định, đảm bảo quyền lợi của người làm nghề giúp việc như mọi lao động trong các ngành nghề khác, bao gồm làm việc 8 tiếng mỗi ngày, không quá 44 tiếng mỗi tuần và được trả tiền lương làm thêm ngoài giờ.
Sau khi phát hiện trường hợp của chị Maria, cơ quan công tố Brazil đang tiến hành kiểm tra 180 lao động giúp việc nước ngoài khác nhằm xem xét liệu có xảy ra những vi phạm tương tự hay không.
Maria hiếm khi được ở một mình. Nhưng một tối, khi cả gia đình chủ đi vắng, Maria thử mở cửa chính và phát hiện mình bị khóa trái bên trong. Đó chính là thời điểm người phụ nữ Philippines này "bừng tỉnh" và quyết định phải thoát thân.
Sáng sớm hôm sau, Maria dậy thật sớm và lẻn ra ngoài. Lo sợ bảo vệ chung cư nghi ngờ khi thấy chị mang theo vali hành lý rồi báo với chủ nhà, Maria giả vờ vui vẻ vẫy tay chào đội bảo vệ qua camera an ninh trong thang máy. Sự nhanh trí đã giúp Maria trốn thoát mà không gặp bất cứ cản trở nào.
"Tôi đã may mắn", Maria thở phào nhớ lại vụ "đào tẩu".
An Hồng