Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhân ngày quốc tế Lao động giúp việc gia đình 16/6 chỉ ra rằng, gần đây lượng người giúp việc gia đình ở Việt Nam tăng mạnh do sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự hạn chế của dịch vụ chăm sóc y tế. Cơ hội đi xuất khẩu lao động của ngành nghề này cũng tăng cao. Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2014, phụ nữ chiếm gần 38% số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Song nữ giúp việc gia đình làm việc ở nước ngoài rất dễ bị bóc lột và lạm dụng. Bởi làm trong nghề này chủ yếu là lao động nữ, môi trường làm việc dễ bị rủi ro, cô lập và bị lạm dụng, bị chủ nhà thu hoăc khấu trừ một khoản đáng kể từ tiền lương cho chi phí ăn, ở, bị từ chối quyền riêng tư và hạn chế tiếp xúc với gia đình. Đây là vấn đề nhiều nữ giúp việc gặp phải.
Hiện nay, người giúp việc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thường không được luật lao động của quốc gia tiếp nhận bảo vệ. Điều này khiến họ bị xem là tầng lớp lao động thấp kém dẫn tới càng dễ bị lạm dụng. Theo ghi nhận của ILO, khu vực châu Á có tới 61% người giúp việc không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật pháp các nước tiếp nhận, tỷ lệ này tại Trung Đông lên đến 99%.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang giúp việc gia đình tại Ảrập Xêút. Trong 4 tháng đầu năm nay, có 40 trường hợp giúp việc gia đình khiếu nại. Gần đây, Việt Nam và Ảrập Xêút đã ký bản ghi nhớ về việc phái cử và tiếp nhận giúp việc gia đình. Bản ghi nhớ quy định phải xây dựng hợp đồng mẫu, trong đó gồm những điều kiện cơ bản đối với lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, sự bảo vệ về mặt pháp luật dành cho người giúp việc tại đây là rất ít và loại hình lao động này vẫn chưa thuộc đối tượng điều chỉnh của luật lao động chung.
Để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt lao động, nhiều thị trường đã mở cửa với lao động Việt Nam, đặc biệt là Đài Loan, Macao, Thái Lan. Đài Loan gần đây đã hủy bỏ lệnh cấm tuyển dụng lao động giúp việc gia đình mới từ Việt Nam. Lệnh cấm này được áp dụng từ năm 2005 khi tỷ lệ lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc ở mức cao. Chính phủ Thái Lan cũng cho phép một số lượng nhất định lao động Việt Nam không có giấy tờ hợp pháp, bao gồm lao động làm giúp việc gia đình được đăng ký giấy phép lao động có thời hạn một năm.
ILO Việt Nam khuyến cáo, trong thời gian tới lao động trong ngành nghề này tiếp tục tăng mạnh. Khi đàm phán về hợp đồng mẫu dành cho người giúp việc gia đình, quốc gia phái cử lao động đi cần xem xét cụ thể để đảm bảo quyền lợi tối thiểu của người lao động được thực hiện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này bao gồm sự minh bạch về cơ chế khiếu nại, tiếp cận dịch vụ tư pháp, quyền được tham gia tổ chức công đoàn.
"Các yếu tố này có vai trò rất quan trọng, góp phần tăng quyền lợi tối thiểu với người lao động khi mà người giúp việc gia đình đặc biệt dễ bị lạm dụng hơn so với lao động làm việc trong các lĩnh vực ngành nghề khác", đại diện ILO cho hay.
Thanh Hòa