Ngày 8/8, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo lễ viếng, truy điệu và đưa tang bà Châu diễn ra chiều nay tại nhà tang lễ quốc gia số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Bà Châu sinh năm 1934, là con gái út của gia đình công chức thời Pháp. Hai cụ thân sinh ra bà đều là y tá, thường xuyên chuyển công tác. Quê ở Thừa Thiên Huế nhưng bà sinh tại Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 1945, bà theo cha và anh trai ra Huế. Kháng chiến chống Pháp, bà vừa học vừa làm du kích trong nội thành Huế.
Bà từng hai lần bị quân Pháp bắt. Năm 1955, bà đang dạy tại trường Trung học Bồ Đề thì bị cảnh sát ập đến. Nhờ có người báo tin kịp, bà thoát ra chiến khu. Một năm sau, bà được cử sang Liên Xô học Đại học Tổng hợp Lomonosov. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp bà về nước, làm việc trong tổ Bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội).
Những năm sau đó, bà vừa dạy học vừa nghiên cứu, trở thành chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ học, cho ra đời nhiều công trình như Vấn đề xác minh các tộc người ở Việt Nam; Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua những tên sông; Cương vực nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ...
Sau 13 năm công tác tại tổ Bộ môn Ngôn ngữ học, bà được cử sang làm chuyên gia dạy tiếng Việt ở Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ). Năm 1980, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại đây và cho xuất bản sách dạy tiếng Việt bằng tiếng Đức.
Về nước, bà làm Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, thuộc Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng một số cộng sự hoàn thành bộ sách dạy tiếng Việt lớp 3, làm tài liệu giảng dạy cho học sinh Campuchia.
Năm 1991, bà được phong hàm giáo sư ngôn ngữ học và là nữ giáo sư đầu tiên của ngành ngôn ngữ học Việt Nam. Bà đã cho xuất bản 7 cuốn sách gồm giáo trình, chuyên luận, từ điển; công bố 56 bài báo nghiên cứu về ngôn ngữ. Năm 2005, bà được trao giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.