Thi đậu đại học Y Thái Bình năm 2001, chị Phan Thị Kim Chung (36 tuổi, trú xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đành phải bỏ dở giấc mơ khoác áo blouse trắng bởi gia cảnh khó khăn, bố mẹ không đủ tiền chu cấp.
Cô gái trẻ gạt nỗi buồn sang một bên, làm hồ sơ sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Hai năm sau, khi tích lũy được một ít vốn, Chung trở về, thi lại vào ngành y song không đậu nên làm nguyện vọng vào Đại học Nông lâm TP HCM, ngành nông học.
Theo học một chuyên ngành mà trước đó mình chưa từng dự định, ban đầu nữ sinh viên bỡ ngỡ. Song với quyết tâm cao, Chung tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu. Năm 2012, chị được nhận vào làm giảng viên của khoa Nông học, trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương.
Quá trình đứng trên giảng đường, chị Chung vừa dạy, vừa làm nông dân. Thấy nhà trường đầu tư một hệ thống nhà kính rất bài bản cho sinh viên thực hành, song nhiều diện tích không dùng đến, chị đặt vấn đề với ban giám hiệu, mượn lại 500 m2 để trồng dưa lưới.
"Tôi áp dụng kiến thức của mình và dùng công nghệ tưới Israel được trường đầu tư, mua dưa lưới của một công ty ở Đài Loan về trồng. Sau hai tháng, dưa ra nhiều quả, vụ đầu thu 30 triệu đồng. Nhiều nhà vườn thấy vậy đã tìm tới nhờ chuyển giao công nghệ", chị Chung kể.
Là con thứ hai thứ trong gia đình có 4 người con, nhưng các anh chị em đều sống xa quê, chị Chung tâm niệm sẽ về quê lập nghiệp, chăm sóc bố mẹ khi trái gió trở trời.
Xã Xuân Viên, nơi chị Chung sinh ra là vùng đất ven núi ở huyện Nghi Xuân, người dân chủ yếu làm hoa màu, buôn bán. Nhiều lần về quê, thấy bố mẹ có mảnh vườn rộng hơn 1.000 m2, chị bày tỏ ý muốn dựng nhà xưởng trồng dưa lưới. Nhận nhiều ánh mắt hồ nghi của người thân, chị Chung cũng cảm thấy mạo hiểm, song nghĩ "phải làm được cái gì mới cho quê hương".
Đầu năm 2017, chị Chung xin nghỉ làm giảng viên ở trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương, trở về quê. "Thời điểm đó nhiều người tiếc cho tôi, bởi làm công chức khỏe và nhàn hơn. Nhưng bản thân thấy cứ sáng lên trường rồi chiều về, cảm giác rất lãng phí thời gian. Hơn nữa có về quê thì tôi mới thực hiện được tâm niệm của mình", chị Chung nói về lý do nghỉ dạy.
Tích góp và vay mượn bạn bè được 500 triệu đồng, chị Chung dồn hết vào việc dựng nhà lưới, mua dưa giống... Việc trồng dưa lưới đang mang lại tín hiệu tích cực, chỉ còn 10 ngày nữa thu hoạch thì tai họa ập đến. Cơn bão số 2 năm 2017 đổ bộ, làm sập hết nhà xưởng, cây giống bị hỏng, quả thối.
Tay trắng vụ đầu khiến chị Chung cạn vốn. Không nản chí, chị tiếp tục vào lại TP HCM làm thêm, vay bạn bè, thầy cô thời trung học phổ thông để đầu tư gỡ gạc. Cuối năm 2017, chị trở về khôi phục lại cơ sở, tháng 6 vừa qua đã bán được lứa dưa lưới đầu tiên ra thị trường, thu về khoảng nửa tỷ đồng, gần đủ để bù vào vụ mất mát trước.
"Tôi quan niệm ngã ở đâu, đứng dậy ở đó. Khi bão đổ bộ, nhìn hệ thống nhà xưởng đổ ngổn ngang, không khỏi thấy chán nản. Ban đầu, tôi thầm nghĩ thôi hay là bỏ đi, vài năm nữa dựng lại, nhưng sau nghĩ như chờ lâu như vậy thì không ổn, đã làm phải làm bằng được", chị Chung nói.
Hiện chị Chung đang có vườn dưa lưới khoảng 1.000 m2 với 1.000 cây. Theo chị, dưa lưới dòn, ngọt, có vị thanh, độ đường 14%, giá bán tại vườn là 60.000 đồng một kg, nếu mua số lượng lớn là 45.000 đồng. Giống dưa được mua tại các công ty ở Việt Nam, Nhật Bản và Hà Lan. Vòng đời của cây từ lúc ươm hạt cho đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng.
Thị trường tiêu thụ dưa lưới của chị Chung chủ yếu là các cửa hàng rau sạch ở Vinh. Chị đang có ý tưởng sẽ liên kết với các siêu thị ở nhiều địa phương để mở rộng mạng lưới tiêu thụ trong thời gian tới. Ngoài tự trồng, cựu giảng viên còn nhận chuyển giao công nghệ. Hiện chị đã thành công bước đầu với hai nhà vườn ở Hà Nội và Nghệ An, thu về 50 triệu đồng mỗi vườn.
Cơ sở của chị Chung tạo công ăn việc làm cho hai công nhân với mức lương khá. Chị dự định, sắp tới sẽ tìm hiểu, đầu tư thêm một số loại cây giống mới như dâu tây Đà Lạt, theo chị, đã có một số người trồng loại này ở Hà Tĩnh rồi, song chưa đúng cách nên không ngon.
Một công nhân chia sẻ, làm việc với chị Chung cảm thấy yên tâm và tự tin. "Dù đôi lúc cơ sở gặp khó khăn, song chúng tôi luôn nhận được sự động viên của chị ấy để cùng nhìn về một hướng", công nhân nói.