Theo một nghiên cứu của S&P Global Market Intelligence, trong vòng 24 tháng sau khi bổ nhiệm một phụ nữ làm giám đốc tài chính (CFO), các công ty tăng trung bình 6% lợi nhuận và 8% giá cổ phiếu so với khi có nam lãnh đạo. Tổng cộng, các phụ nữ này đem lại thêm 1.800 tỷ USD lợi nhuận. Nghiên cứu này được thực hiện trên 6.000 công ty trong chỉ số Russell 3000 (Mỹ) trong 17 năm.
Một trong các lý do nữ CFO có thành tích trội hơn nam đồng cấp có thể là họ được kỳ vọng cao hơn, Daniel Sandberg - Giám đốc nghiên cứu tại S&P Global - tác giả của báo cáo cho biết, "Rào cản với phụ nữ cao hơn một chút. Số nam giới cạnh tranh cho vị trí lãnh đạo bị tận dụng quá mức, còn số nữ giới lại chưa được phát huy hết khả năng". Với vị trí CFO, tỷ lệ nam và nữ là 6,5:1.
Nói cách khác, hội đồng quản trị tuyển nam thường xuyên hơn nữ, dù một số nam giới họ bổ nhiệm có thể không giỏi bằng ứng viên nữ. "Tỷ lệ nam nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo đã chứng minh cho giả thuyết này. Việc kén chọn hơn với ứng cử viên nữ có nghĩa hội đồng có thể sẽ bỏ qua các nữ lãnh đạo có năng lực hơn so với ứng viên nam. Điều này khiến ngoài kia còn rất nhiều ứng viên nữ giỏi cho vị trí này", báo cáo cho biết.
Các nhà đầu tư như BlackRock và S&P Global vẫn luôn kêu gọi tăng cường bình đẳng giới trong các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp. Phụ nữ đóng góp nửa lực lượng lao động, nhưng chỉ kiểm soát khoảng 5% vị trí CEO tại các công ty hàng đầu thế giới. Trong hội đồng quản trị, tỷ lệ phụ nữ chỉ là 25%.
Các công ty có phụ nữ làm CFO thường có tỷ lệ nữ lãnh đạo gấp đôi bình thường. Sandberg cho biết sau khi bổ nhiệm nữ CEO, hội đồng quản trị có xu hướng tăng bình đẳng giới trong 2 năm sau đó.
Hà Thu (theo Bloomberg)