Thứ năm, 10/10/2024
Thứ tư, 29/10/2014, 06:16 (GMT+7)

Nữ giám đốc bệnh xương thủy tinh cưu mang người khuyết tật

Cao 80 cm, nặng 20 kg, không thể đi lại, chị Nguyễn Thị Thu Thương vẫn phấn đấu trở thành giám đốc trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật.

Bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, chị Thu Thương (sinh năm 1983, sống ở Hà Nội) chỉ nằm một chỗ suốt 20 năm. Năm 2004, chị xem chương trình truyền hình thấy có những người khuyết tật tài giỏi. Ngẫm lại mình sống quá dựa dẫm vào bố mẹ, lại nghĩ đến một ngày không còn người thân ở bên, chị quyết định phải thay đổi.

Thương xin bố mẹ cho đi học nghề, sau đó chị mở một trang web bán các đồ thủ công. Các sản phẩm xinh xắn cộng với nghị lực của một người khuyết tật đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Chị tâm sự: "Mọi người cho tôi rất nhiều may mắn. Tôi muốn báo đáp nhưng họ sẽ không cần. Bởi vậy, chính tôi sẽ mang may mắn đến cho người khác".

Từ năm 2004, chị bắt đầu mở các lớp dạy làm đồ thủ công miễn phí cho người khuyết tật rồi nhận hàng của họ về bán. Chị Thương trích 5% số tiền mỗi sản phẩm bán được để làm từ thiện. Nung nấu thành lập một trung tâm cho những người cùng cảnh ngộ, chị lao vào bán hàng qua mạng, có thời điểm còn đi hát rong để kiếm tiền. 

Ngày 14/2, Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương (xã Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội) được thành lập, có 14 học viên tới từ nhiều tỉnh ở miền Bắc.

Các học viên làm sản phẩm từ giấy như tranh, thú, hộp đựng giấy ăn, bút... Trung bình mỗi tháng một học viên thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng và đóng 300.000 đồng cho các chi phí ăn uống, nơi ở.

Công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn. Để hoàn thành một bức tranh hoa sen cần công sức của 3 học viên, làm việc trong một ngày rưỡi.

Những hộp bút xinh xắn ghép từ nhiều mẩu giấy được gấp nhỏ.

Sau hơn 8 tháng hoạt động, nơi đây đã trở thành mái nhà cho các học viên. Em Minh Hằng (áo đỏ), 25 tuổi, quê Nam Định, bị bệnh động kinh, trước đây rất hay ngất. Vào trung tâm, có bạn bè, có tình yêu nên Hằng chăm chỉ uống thuốc, sức khỏe tốt và không còn xỉu nữa.

Trước khi đến với trung tâm, Huyền Trang 19 tuổi (Phú Thọ) đi bán tăm thuê, phải làm từ 14h đến 3h sáng. Thu nhập bập bõm, nhiều lần em còn bị quỵt tiền. Trang chia sẻ: "Trước đây em cô đơn chẳng biết cười là gì. Đến đây em mới biết có niềm vui thực sự".

Em Miên ở Sơn Động (Bắc Giang) bị liệt hai chân, không được đến trường. Suốt 23 năm, em chỉ quanh quẩn ở nhà. Biết có trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, Miên xin gia đình cho đi. Tại đây, cô gái trẻ có bạn bè, công việc và thu nhập. "Lần đầu tiên trong đời, em thấy mình có ích. Bố mẹ và các anh chị cũng thường xuyên xuống thăm em", Miên cho hay.

Nữ giám đốc Thu Thương không mong mỏi gì hơn là trung tâm ngày càng phát triển, bán nhiều hàng để giúp đỡ được nhiều người hơn. Hàng đêm, cô gái bé nhỏ thường thức đến 1-2h để bán hàng qua mạng, tìm nhiều đầu mối nhập sản phẩm. 

Hiện tại, mỗi tháng trung tâm thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Thương cố gắng tự quản lý hoạt động, không phải nhờ đến các nhà hảo tâm. Trong những năm qua, chị đã được tặng nhiều bằng khen, gần đây nhất được thành phố Hà Nội vinh danh là "Gương thanh niên Thủ đô làm kinh tế giỏi" năm 2014.

Phan Dương