Chị Lê Hòa, 40 tuổi hiện sống và làm việc tại Áo. Cuối tháng 7, chị cùng chồng, con trai 8 tuổi và vợ chồng người em từ Việt Nam sang, đi du lịch tự túc ba nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Italy. Trong đó, họ dành 5 ngày ở Pháp, từ 20/7 đến 24/7.
Trước đó, chị mua vé tàu cho 4 người lớn và một trẻ em (giá vé người lớn là 65,8 Euro, trẻ em giảm 50%), áp dụng với mọi phương tiện công cộng, có hiệu lực trong 5 ngày. Ngày 22/7, cả nhà ra bến Issy-Val de Seine để tới tháp Eiffel, Paris thì gặp sự cố.
Tại cửa nhà ga, một người đàn ông nước ngoài đeo thẻ nhân viên chủ động tiếp cận gia đình chị, nhiệt tình chỉ đường. Sau đó, người này hỏi xem vé và dẫn đoàn khách Việt Nam vào một góc vắng vẻ. Tại đây, người này nói vé của gia đình chị không còn giá trị.
Chị Hòa khẳng định điều này là vô lý, vì vé có hiệu lực trong 5 ngày. Khi mua tại sân bay, người bán vé đã giải thích rõ. "Tôi không hiểu sao đồng nghiệp của tôi lại nói với chị như vậy", chị Hoà nhớ lại lời của người đàn ông. "Vé chị mua ở sân bay là vé khác, còn vé dùng ở Paris là vé khác".
Anh ta còn giải thích rằng thực tế vé đã mua chỉ có giá trị trong ngày đầu tiên. Do đó, chị Hoà phải mua vé cho những ngày tiếp theo. Số tiền vé tương ứng với 4 ngày vé chị bỏ ra mua ở sân bay. Khi nào tới ga St-Michel Norte-Dame, chị sẽ được hoàn lại. "Thủ tục hoàn tiền đơn giản, chỉ cần cầm hộ chiếu ra quầy bán vé", người đàn ông nói thêm.
Lúc này, chị Hòa bắt đầu bối rối. Đây là lần thứ hai chị tới Paris du lịch, nhưng là sự cố đầu tiên chị gặp phải. "Giờ bạn phải mua vé lại ở đây. Nếu cố tình dùng vé này, nhân viên kiểm tra sẽ bị phạt 100 Euro mỗi người", người này nói.
Tuy nhiên, nữ du khách gốc Việt nhận thấy sự mâu thuẫn. Nếu vé không có hiệu lực, chị không thể mở được cửa nhà ga (tại Paris, hành khách sẽ mở được mọi cửa để vào ga nếu bạn đưa vé). Hơn nữa, người này không mặc đồng phục. Tên của hắn ta được ghi trong bảng tên bằng bút bi, trong khi mọi nhân viên có thẻ in và thậm chí là dán ảnh. Do vậy, chị Hòa kiên quyết không mua thêm vé và cả gia đình chị tiến vào sân ga.
Khi chị định đưa vé vào máy để mở cửa nhà ga, chị thấy một người đàn ông khác cũng đeo thẻ giống người thứ nhất, bước về phía mình. Chị liền quay lại thông báo với gia đình, chắc chắn hai kẻ này là lừa đảo. "Nhìn thấy thái độ gay gắt của tôi khi nói chuyện với gia đình, chúng bèn lảng ra rồi đi mất", chị nhớ lại.
Chị Hòa chia sẻ câu chuyện của mình để các du khách cảnh giác hơn khi đi du lịch tự túc. Nếu ra nước ngoài, bạn chỉ nên tin tưởng vào những người mặc đồng phục, có thẻ nhân viên dán ảnh và được in rõ nét. Bạn không nên đi theo người lạ đến những góc vắng vẻ, không đưa cho họ xem giấy tờ tùy thân khi không biết rõ họ là ai.
Theo kinh nghiệm của chị Hoà, trong trường hợp nhân viên đột xuất kiểm tra vé tàu xe, họ sẽ chặn và kiểm tra mọi hành khách chứ không giữ một vài người đơn lẻ. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu số điện thoại cảnh sát của nước định đi du lịch, phòng trường hợp khẩn cấp. Khi gặp tình huống phát sinh, du khách nên bình tĩnh, cân nhắc để không bị lợi dụng, lừa đảo.
Chi phí du lịch Pháp 5 ngày 4 đêm của gia đình chị Hòa (4 người lớn, một trẻ em)
Vé máy bay từ Áo sang Pháp (một chiều) | 500 Euro |
Khách sạn (2 phòng) | 460 Euro |
Vé đi các phương tiện công cộng | 300 Euro |
Ăn uống | 700 Euro |
Tổng chi phí | 1.960 Euro |
Những câu chuyện về du khách Việt là loạt bài ghi lại các sự cố, kỷ niệm vui buồn của du khách khi đi du lịch trong và ngoài nước. Đây cũng là diễn đàn để nhân viên làm trong ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện trong nghề.