Sinh ra tại vùng quê nghèo Tiền Hải, Thái Bình, chị Phạm Thị Ngắn lập gia đình và sinh con đúng vào những năm mùa màng thất bát, cuộc sống túng quẫn kéo dài.
Đó là vào năm 1986. Cả nhà chị lâm vào cảnh màn trời chiếu đất khi cơn bão cuốn sạch mọi thứ. Để có tiền nuôi con, chị nhận giữ trẻ. Lúc rảnh, ai thuê gì chị làm nấy, từ gánh phân, nhổ mạ, cấy gặt… Được nhiều người thuê đan cói, chị tập tành vào nghề với hy vọng kiếm bát cơm nuôi con.
Nhiều năm làm thuê, năm 1996, chị Ngắn bắt đầu khởi nghiệp với chiếc xe đạp cũ. Không ngại khó khăn, người phụ nữ ngược xuôi đến các chợ đầu mối, trung tâm thương mại ở Hà Nội để sưu tầm những sản phẩm cói được ưa chuộng. Khi về nhà, chị cách tân, sáng tạo thêm mẫu mã mới rồi quay trở lại từng cửa hàng, trung tâm thương mại tại Hà Nội và Thái Bình giới thiệu.
Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản khi không cửa hàng nào nhận đầu ra cho những sản phẩm của mình. Trong lúc khó khăn, phát hiện nghề nuôi cua, ếch đang phát triển cần đến những giỏ cói, chị Ngắn liền thu gom giỏ sản phẩm để bán cho các thương nhân, chủ đầm. Nhiều ngày ròng rã giới thiệu, chị nhận đơn hàng đầu tiên lên đến vài nghìn chiếc từ một thương nhân. Chính đơn hàng này đã tiếp thêm sức mạnh để chị quyết định gắn liền với nghề làm cói.

Nữ doanh nhân Phạm Thị Ngắn được vinh danh là một trong những "Phụ nữ tự tin tiến bước" vì những đóng góp của mình trong nghề cói.
Dù là một cơ sở sản xuất tự phát, nhưng nhiều mặt hàng đan cói do chị tự thiết kế, đặc biệt là mũ cói nhanh chóng trở thành mốt vào những năm 1998-1999. Nhiều khách hàng từ Hà Lan, Australia cũng để mắt tới, khi chị xuất khẩu vài nghìn chiếc thông qua một đại diện ở Hà Nội.
Sau khi đảm bảo nguồn xuất hàng ổn định, năm 2004, người phụ nữ này đứng ra thành lập doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, hàng của chị đều đặn xuất khẩu ra thị thường quốc tế.
Thành công từ cảnh cơ hàn, khi việc kinh doanh ngày càng tiến triển tốt, chị Ngắn lại trăn trở tới việc tạo nguồn thu cho nhiều chị em phụ nữ khác ở miền quê. Người phụ nữ này sau đó đã liên kết với Hội Phụ nữ tỉnh Thái Bình để mở các lớp dạy nghề móc hộp, đan mũ cói và nghề mây tre đan... cho các hội viên. Sau các khóa dạy, những học viên có tay nghề giỏi, được chị tạo điều kiện thành lập các tổ sản xuất, rồi đứng ra nhận nguyên vật liệu, mẫu mã từ doanh nghiệp về hướng dẫn cho tổ viên làm.
Chị cũng là người đứng ra kiểm tra chất lượng và thu gom sản phẩm giao cho doanh nghiệp. Với phương pháp này, nữ doanh nhân đã mở rộng cơ sở sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động trong tỉnh mà không phải tốn quá nhiều công sức và thời gian đào tạo. Có được thành công, lớp dạy nghề của chị còn lan sang cả các tỉnh lân cận như Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên... Hàng trăm lao động khuyết tật đã học nghề để kiếm sống và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Khi việc kinh doanh ổn định, chị Ngắn bắt đầu chăm lo cho đời sống chị em phụ nữ quanh vùng.
Hiện doanh nghiệp Tây An có mạng lưới trên 60 tổ sản xuất rải khắp 8 huyện, thành phố Thái Bình với hơn 7.000 lao động, đa số là nữ. Ngoài làm nông, nhiều chị em có thêm nghề mới để tăng thu nhập lên đến 3 triệu đồng mỗi tháng. Chị còn đầu tư 500-700 triệu đồng để mở lớp nâng cao tay nghề cho người lao động, đóng góp vào các chương trình gây quỹ từ thiện xã hội như ủng hộ trẻ mồ côi, quỹ trái tim nhân đạo, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nông thôn mới…
Doanh nghiệp cũng góp phần tiêu thụ sản lượng cói lớn trong vùng và các phế thải nông nghiệp cho bà con nông dân như bẹ ngô, bèo bồng, dây giấy, mây tre… Thành phẩm xuất khẩu cũng tăng lên đáng kể, chủ yếu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh hàng mỹ nghệ trong nước gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Để tăng tính cạnh tranh, chị Ngắn đã chủ động gửi các mẫu hàng ra nước ngoài và không ngừng thiết kế, sản xuất thêm nhiều mẫu mã mới.
"Chi phí gửi hàng mẫu có lúc tăng đến vài trăm triệu đồng, nhiều lúc lo lắm nhưng tôi vẫn chấp nhận mạo hiểm để mở rộng thị trường", nữ doanh nhân chia sẻ.
Đan cói là một trong những nghề truyền thống lâu đời nhất ở Tiền Hải, Thái Bình. Thế nhưng, những năm 80, 90 làng nghề làm cói bắt đầu đi xuống, nhiều người ly hương tìm kế sinh nhai vì không thể tiêu thụ được sản phẩm. Với ý tưởng bất ngờ từ việc cung cấp giỏ cói cho các thương nhân, chủ đầm cua, ếch… chị Phạm Thị Ngắn đã vực dậy, hồi sinh cả một làng nghề. Chị cũng góp phần đưa sản phẩm của quê nhà đến khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Nhờ những đóng góp của mình, chị Phạm Thị Ngắn trở thành Nghệ nhân làng nghề Việt Nam, được vinh danh là nữ “Doanh nhân tiêu biểu khu vực duyên hải phía Bắc” cùng với nhiều giải thưởng khác vì có thành tích xuất sắc trong trong lao động.
N.Loan