Bà Liên sinh năm 1948, là con thứ 5 trong một gia đình có tới 7 người con, sinh ra ở “quê hương quan họ” Bắc Ninh. Tuổi thơ của bà là chuỗi ký ức đẹp đẽ nhất trong cuộc đời, được ví như những câu hò, điệu lý dân ca vô cùng đằm thắm. Nhưng do hoàn cảnh gia đình, học hết lớp 7, bà lại theo bố mẹ chuyển về Hà Nội sinh sống.
Lớn lên khi đất nước gặp chiến tranh, như bao chàng trai, cô gái khác, bà lại về Nông trường Tam Thiên Mẫu (Bắc Ninh) cùng bạn bè chung tay xây dựng nông trường với công việc nuôi bèo hoa dâu để làm phân bón. Ngoài giờ sản xuất bèo, bà còn dạy các cháu mẫu giáo học và phụ giúp đội y tế trong việc chăm sóc bệnh nhân. Cũng tại đây, mối tình đằm thắm giữa bà với chàng kỹ sư mỏ địa chất nhanh chóng đơm hoa, kết trái.
Cuộc sống vốn chẳng êm đềm mà là những đợt sóng theo quy luật tự nhiên. Cũng giống như bao gia đình khác, cuộc sống gia đình bà cũng gặp muôn vàn khó khăn, chật vật. Mong muốn có cuộc sống khá hơn, cả nhà chuyển ra vùng mỏ Quảng Ninh công tác trong ngành mỏ địa chất. Cuộc sống lại chồng chất thêm những khó khăn hơn khi đứa con đầu lòng ra đời ngay trên đất khách, phải gắng gượng chi tiêu lắm mới đủ sống qua ngày.
Năm 1978, cả gia đình lại bồng bế nhau về Vĩnh Phúc do cơ quan chuyển nơi làm việc. Có lẽ, mảnh đất này là mối “duyên từ kiếp trước” mà cuộc đời đã se cho bà. Vùng quê làm cho bà bao phen khốn đốn cũng chính là nơi mang lại hoa thơm quả ngọt ít ai ngờ. Năm 1982, bà được Nhà nước cho về nghỉ mất sức, tương lai bắt đầu trờ nên u ám.
Bao đêm mất ngủ vì lo lắng cho cuộc sống gia đình, phải làm sao cho bớt khổ, 2 bàn tay trắng có thể làm được những gì… không thể ngồi yên một chỗ, bà bắt đầu những chuỗi ngày dãi dầu mưa nắng với đủ nghề buôn thúng bán bưng như bán kem, cá, rau, bán thịt… Dù vậy cuộc sống cũng chẳng mấy khả quan. Rồi chính sự cởi mở, nhiệt tình của mình, ông trời đã mở ra cho bà một cơ hội với nghiệp công thương - nghề đổi hàng hai chiều cho ngoại thương.
Bằng sự năng động trong kinh doanh, bà luôn tìm kiếm những mặt hàng mới như nông sản, dược liệu… đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, bảo đảm chất lượng hàng hóa, giữ vững chữ tín với khách hàng. Kể từ đó, công việc kinh doanh của bà ngày càng phát triển mạnh mẽ. Và cũng chính những chuyến đi từ Bắc chí Nam, bôn ba khắp nơi ấy, bà tự nhủ: “Tại sao đất nước mình đẹp như thế mà du lịch lại chưa phát triển, mình phải làm gì đó mới được”. Vậy là cái duyên thực sự đã dẫn dắt bà đến với du lịch.
Bà đã nhận giải thưởng của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng thế giới về thành tích xuất sắc trong kinh doanh bằng số vốn tích cóp được. Tháng 1/1993, Trung tâm thương mại du lịch Trưng Vương do bà làm Tổng giám đốc có hai cơ sở là khách sạn Hưng Hải tại Đại Lải, thị xã Phúc Yên. Thời điểm đó, ấn tượng của xã hội về kinh doanh tư nhân cũng chưa có, bà lại là người đầu tiên làm du lịch tại khu hồ Đại Lãi, một vùng đất nơi sơn thủy hữu tình nhưng hoang vắng, heo hút. Thấy vậy, nhiều người gièm pha, dè bỉu rằng bà vừa mới ở rừng về được ít năm, bây giờ lại lao vào rừng, rồi xây khu du lịch trong đó. Họ bảo về sau bà sẽ ôm gốc cây mục mà chết chứ đừng có mà mơ làm giàu….
Năm 1994, công việc kinh doanh còn gặp muôn vàn khó khăn, lại cộng thêm bao nhiêu gièm pha, dè bỉu, khinh khi… có lúc khiến cho bà nhụt chí. Nhưng với sự động viên từ phía gia đình, bà mạnh dạn bước tiếp dù phía trước chắc chắn sẽ nhiều chông gai, thử thách.
Với cách làm vừa xây dựng cơ sở hạ tầng vừa kinh doanh khách sạn nhằm tận dụng mọi cơ hội để phát triển, cộng với chất lượng và cung cách phục vụ tốt, sự nhạy bén, năng động của người lãnh đạo, Trung tâm thương mại Trưng Vương ngày càng được nhiều người biết đến, tin tưởng, lựa chọn làm nơi tổ chức hội nghị, sinh nhật, đám cưới và nghỉ dưỡng. Nơi đây cũng góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động. Bà đã áp dụng chế độ ưu đãi đặc biệt mà khó nơi nào làm được. Vì vậy, lao động không chỉ toàn tâm gắn bó với khách sạn mà còn coi bà như người thân của mình.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, bà Liên còn là người tiên phong trong các hoạt động vì cộng đồng như: ủng hộ quỹ vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, xây dựng nhà tình nghĩa... Là chủ tịch Hội doanh nhân nữ tỉnh Vĩnh Phúc, bà luôn có những sáng kiến để hỗ trợ giúp chị em làm ăn phát triển, để hội ngày càng vững mạnh. Không những tự mình làm từ thiện, bà còn kêu gọi chị em trong hội tham gia. Năm 2010, bà vận động được 200 triệu đồng ủng hộ 3 tỉnh đồng bào miền Trung trong đợt bão lũ. Bà đã xây dựng 15 ngôi nhà tình nghĩa cho chị em phụ nữ nghèo trong tỉnh, trao thưởng cho các em học sinh nghèo vượt khó...
Với những đóng góp cho xã hội, bà vinh dự được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và của các cấp Bộ, ngành, Trung ương như: Bằng khen của Bộ Tài chính, Bằng khen của Tổng cục du lịch... Đặc biệt, bà vinh dự được chọn là một trong những người phụ nữ tiêu biểu, xuất sắc của Việt Nam tháp tùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tới thăm chính thức Nam Phi và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 21 diễn ra từ ngày 5-7/5/2011 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây, bà đã vinh dự được trao giải thưởng “Phụ nữ tự tin tiến bước” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Công ty P&G - nhãn hàng Ariel và Saigon Coop tổ chức.
Mai Thương