Theo sách Đại Nam Liệt truyện chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1792, Quang Trung (Nguyễn Huệ) đột ngột qua đời. Triều đại Tây Sơn bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) còn nhỏ, bị họ ngoại chuyên quyền, dẫn đầu là cậu họ Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Các đại thần kết bè phái, nội bộ lục đục, triều chính suy vi khiến lòng dân vốn đã sống quá nhiều năm trong cảnh máu lửa càng thêm oán ghét cảnh phân tranh, loạn lạc...
Năm 1799, Nguyễn Ánh xua quân chiếm lại Quy Nhơn. Bùi Thị Xuân cùng chồng vừa tham gia củng cố triều chính vừa chỉ huy quân sĩ giữ lũy Trấn Ninh, chống lại quân nhà Nguyễn.
Tuy nhiên, lúc này triều Tây Sơn đã không còn vững như trước. Với sự tấn công mạnh mẽ từ nhiều phía của quân Nguyễn Ánh, các thành luỹ của Tây Sơn nhanh chóng bị mất. Năm 1802, trong một trận ác chiến với quân Nguyễn Ánh ở Nghệ An, vợ chồng tướng quân Trần Quang Diệu cùng con gái bị bắt trên đường rút quân ra Bắc.
Khi Nguyễn Ánh (vua Gia Long) chiêu hàng Trần Quang Diệu, ông đáp: "Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn, thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu". Sau đó, vợ chồng tướng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và con gái 15 tuổi đều bị xử tội chết.
De La Bissachere - một cố giáo sĩ phương Tây, người chứng kiến cuộc hành hình, đã miêu tả cái chết lẫm liệt của bà như sau: "Bùi Thị Xuân không hề biến đổi sắc mặt, tiến trước đầu voi một cách bình tĩnh. Mấy tên lính thét la om sòm, bảo bà quỳ xuống nhưng bà vẫn thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại, bọn lính phải lấy giáo nhọn thọc vào đùi con vật mới dùng vòi quặp bà tung lên trời...".
Tú Linh (Tổng hợp)