Hà nhận cuộc gọi từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo dương tính với nCoV, lúc 20h tối 18/3. Cô lặng người. Không khí gia đình trầm hẳn xuống. Cô nhìn bố mẹ chồng đã ngoài 70 tuổi, các con nhỏ và những thành viên khác trong nhà.
"Mình dương tính rồi, cả nhà thì sao?", nữ điều dưỡng của Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, tự hỏi.
Gia đình có tổng cộng 13 người sống chung. Khi biết nhiễm bệnh, cô lo cho mình thì ít mà lo cho gia đình thì nhiều.
Ngay trong đêm, CDC Hà Nội có mặt ở nhà để lấy mẫu xét nghiệm của các thành viên, đồng thời khử khuẩn nhà cô và khu vực xung quanh. Sau đó, họ bố trí xe đưa cô đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để cách ly.
"Cả nhà giữ gìn sức khỏe, chờ tin con", Hà khẽ nói rồi bước lên xe. Hơn 10 năm làm điều dưỡng, số lần đến viện không đếm được hết. Nhưng hôm nay, cô căng thẳng bởi "chuyến này đi, chẳng biết đến bao giờ sẽ về".
Để đảm bảo an toàn, 12 thành viên còn lại trong gia đình cũng được cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
"Bệnh nhân 87" là điều dưỡng tiếp đón bệnh nhân tại khu cách ly Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi có kết quả dương tính tối 18/3, trung tâm không tiếp nhận bệnh nhân nội trú. Hôm sau, phòng tái khám, phòng khám sàng lọc Covid-19 cũng ngừng hoạt động.
"Cảm giác không dễ dàng gì khi trở thành bệnh nhân, căn bệnh lại đúng chuyên môn của mình", Hà trải lòng hôm 7/4, khi vẫn trong khu điều trị.
Hà nhớ lại, sáng 18/3 cô đi làm bình thường. Khoảng 8h, cô bắt đầu có các triệu chứng như mệt mỏi, đau hốc mắt, sốt 37,3 độ. Sau đó, cơn ho dày hơn, kèm đau đầu dữ dội. "Chắc do công việc nhạy cảm nên bản thân cũng nhạy cảm hơn", cô chủ động báo cáo lãnh đạo, xin làm xét nghiệm sớm tại Khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời liên tục theo dõi triệu chứng của mình.
Hà cũng gọi cho chồng nói về việc đi làm xét nghiệm để anh chuẩn bị tâm lý. Cô hiểu, dù bản thân đã bảo hộ kỹ càng nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Áp lực cứ lớn dần lên từng phút một.
Tối cùng ngày, cô nhận xét nghiệm dương tính. Mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định kết quả tương tự vào tối hôm sau.
Chỉ sau một ngày, diễn biến bệnh trở nặng, cô được chuyển xuống phòng cấp cứu, sức khỏe yếu dần, toàn thân mỏi rã rời.
"Dường như mọi sức lực khi đó chỉ để dành cho việc thở", cô nhớ lại. "Tôi không thể thở bình thường, như cá mắc cạn, lại còn liên tục ho".
5 ngày đầu tiên, Hà nằm lịm trên giường. Gia đình có gọi điện mà cô không thể nghe máy. Cô chỉ loáng thoáng câu được câu chăng "cố gắng lên", "đừng lo lắng quá" qua lời kể lại của những y bác sĩ mà cô không nhìn rõ mặt. Sau này khỏe lại, Hà biết ngoài người thân, đồng nghiệp và ban lãnh đạo bệnh viện đều gửi lời động viên cô.
"Dù dịch bệnh phức tạp, ai cũng bận rộn nhưng tôi không cảm thấy mình bị bỏ rơi. Khi nghe tin tôi bệnh nặng, Giáo sư Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai, còn trực tiếp hội chẩn để tìm ra hướng điều trị. Tôi thấy biết ơn vô cùng", cô nói.
Khi sức khỏe ổn định hơn cũng là lúc Hà nhận được kết quả xét nghiệm âm tính lần một. Cô gọi điện về cho gia đình. Cuộc gọi tuy ngắn nhưng là liều thuốc quý, giúp cô yên tâm điều trị.
Cô còn nhận được tin nhắn động viên từ những người từng là bệnh nhân của mình, khiến nữ điều dưỡng tự nhủ 10 năm gắn bó với nghề quả xứng đáng. Nghĩ bản thân vẫn còn may mắn hơn so với nhiều bệnh nhân khác, cô động viên mình phải kiên cường hơn kể cả khi nằm trên giường bệnh.
Ngày 30/3, Hà được sang phòng bệnh thường, tiếp tục điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Nằm trong phòng cách ly buồn, cô cảm thấy thời gian trôi chậm hơn. Ngoài thời gian thăm bệnh của bác sĩ, cô miên man nghĩ về gia đình. "Chẳng biết đến bao giờ cuộc chiến này mới dừng lại?".
Thời gian nằm viện, Hà biết có nhiều lời gièm pha trên mạng xã hội về việc nhân viên y tế nhiễm bệnh, nhưng cô không trách mọi người. Hơn ai hết, cô hiểu công việc tại phòng khám sàng lọc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khó mà loại trừ được tất cả. Nhiều lúc cô tự hỏi "nguồn lây cho mình từ đâu?" nhưng không có câu trả lời.
Điều khiến Hà áy náy nhất là nếu chẳng may cô lây bệnh cho những người tiếp xúc với mình. Mãi đến khi nhận được tin đồng nghiệp và người thân đều âm tính, cô mới dám thở phào.
"Khi tôi làm điều dưỡng, tôi sẽ quan tâm, hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân để họ có niềm tin chiến thắng bệnh tật. Khi tôi là bệnh nhân, tôi mới hiểu những lời động viên đó quý giá như thế nào, thậm chí có thể vực dậy tinh thần giữa lúc tuyệt vọng nhất. Cảm ơn tất cả mọi người", cô nói.
Đến nay, sức khỏe "bệnh nhân 87" có tốt hơn nhưng vẫn còn ho, tức ngực. Cô đã điều trị tại bệnh viện được 20 ngày.
Khi được hỏi "điều đầu tiên khi trở về nhà là gì?", nữ điều dưỡng bật khóc. "Tôi mong gặp lại gia đình để có động lực, sau đó sẽ tiếp tục trở lại với công việc, chung tay đẩy lùi dịch bệnh này".
Lái xe của bệnh nhân 17: 'Tôi mệt rã rời không còn sức lực
Bệnh nhân Anh cúi mình cảm ơn bác sĩ Quảng Nam
Thùy An