Không khí buổi lễ xuất viện 10/4 không ồn ào. Mọi người im lặng, chăm chú nghe chị Hạnh, 54 tuổi, điều dưỡng Phòng khám ngoại trú HIV - Bệnh viện Bạch Mai. Chị nhiễm nCoV, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 19/3.
"Thật hạnh phúc!", chị thốt lên. "Tất cả những gì không may xảy ra đã là quá khứ. Được hít thở khí trời, được cất tiếng nói trước mọi người, là một điều đáng quý".
Giọng nói chị nhỏ, có phần yếu ớt, bởi triệu chứng khó thở do Covid-19 vẫn chưa hết hẳn. Chị cố gắng cất lên từng lời chậm rãi: "Đến bây giờ khi nói nhiều, tôi vẫn không có hơi. Nhưng thời điểm nặng nhất đã qua rồi, sức khỏe tôi đã tốt lên. Tôi đang thực sự nhẹ nhõm".
Gần 10 y bác sĩ đứng phía sau, tiễn chị cùng 8 bệnh nhân Covid-19 khác xuất viện. Khoảng sân rộng, có nắng chiếu, chị xúc động: "Thời tiết nắng nóng lên là chúng ta đã thấy khó chịu thế nào rồi. Vậy mà các bác sĩ điều trị cho chúng tôi, trên người mặc trang phục bảo hộ dày, kính che mắt bị nhòe đi bởi mồ hôi. Thực sự họ rất vất vả".
Nghẹn lại vài giây, tay đặt lên ngực, mắt chị nhắm lại: "Cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn vì tất cả!".
Hơn 20 ngày trôi qua kể từ lúc chị Hạnh nhận kết quả dương tính nCoV. Lúc đó là cuối chiều, chị đang nằm nghỉ trên phòng nhân viên thì có điện thoại gọi đến thông báo.
"Cả khoa náo loạn lên", chị kể. Hơn 30 năm công tác trong ngành truyền nhiễm, lại từng tham gia chống dịch SARS cách đây 17 năm, chị không thể ngờ mình có kết quả dương tính nCoV.
Trên người vẫn nguyên bộ quần áo blouse, cùng chiếc túi xách, chị Hạnh được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Lúc ấy, cơ thể không có triệu chứng, chỉ hơi mệt và nhịp tim nhanh do cao huyết áp. Chị Hạnh không kịp gặp gia đình.
Ngày thứ hai khi nhập viện, chị bắt đầu có dấu hiệu sốt lên 37 độ 5, tiếp theo là liên tục 5-6 ngày sốt cao 38-39 độ, kèm khó thở. Kết quả chụp phim phổi có chiều hướng xấu. "Tôi lo lắng, không ăn, không ngủ được".
Nằm giường bệnh, nghe tin các y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai cách ly, tâm lý chị càng nặng nề, lòng tự hỏi: "Không biết có lây nhiễm cho ai nữa không?". Cả gia đình gồm mẹ, chồng, con, cháu... đều được cách ly hết. Đặc biệt, con gái chị có kết quả dương tính nCoV, cũng phải vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, là "bệnh nhân 107".
"Tôi xót xa lắm", chị nói. "Nhưng không thể làm được gì, cũng không thể nghĩ được điều gì khác, bởi càng lúc càng khó thở quá".
Cách chị mấy giường, cũng tại phòng điều trị Khoa Cấp cứu, là một bệnh nhân người nước ngoài, bắt đầu trở nặng, các bác sĩ mặc đồ bảo hộ, lao vào đặt ống thở.
"Tôi sợ lắm, thấy căng thẳng vô cùng", chị nói. "Mình làm trong nghề y mình biết, đặt ống thở sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề".
Nhìn thấy vậy, "tôi gần như phải bò dậy, cố gắng ăn bát cháo". Nếu không ăn thì không có sức để thở, lúc đấy nguy cơ phải đặt ống thở rất cao. "Dù chẳng có cảm giác gì nhưng phải cố làm sao nuốt được thức ăn xuống dưới".
Chị cũng cố vận động, tập thở để hồi phục tốt hơn.
May mắn, sau vài ngày điều trị bằng thuốc, các triệu chứng đỡ dần. Khi cầm được điện thoại báo cho người nhà, rồi đọc tin tức, chị mới biết những bình luận không hay về mình.
"Từng tư vấn cho các bệnh nhân nhiễm HIV giúp họ vượt qua mặc cảm, kỳ thị nhưng không ngờ một ngày mình lại rơi vào trường hợp đó. Tôi đau lòng lắm".
2 giờ sáng 26/3, chị Hạnh nhận kết quả âm tính nCoV lần đầu tiên. Căn phòng điều trị tối om, bác sĩ phấn khởi bước vào, anh không nói mà chỉ giơ tay ký hiệu thông báo. Chị Hạnh thấy như cất được gánh nặng. Vài ngày sau, chị nhận kết quả âm tính lần hai, được chuyển đến Khoa Nhiễm Khuẩn tổng hợp cho đến khi xuất viện.
Quay sang phía các bác sĩ, điều dưỡng viên nói: "Tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn của bệnh còn nhờ sự quan tâm động viên tinh thần của các bác sĩ. Không phải vì tôi cũng làm trong ngành y nên được quan tâm như vậy, mà bệnh nhân nào cũng thế".
Hiện tại, bệnh viện Bạch Mai đã hết cách ly. Các bác sĩ Phòng khám ngoại trú HIV đã làm việc lại. Y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cũng không ghi nhận thêm ai nhiễm nCoV.
"Tôi nhẹ nhõm rất nhiều", chị nói, "Vậy là không lâu nữa tôi sẽ sớm được đi làm để hòa nhập với mọi người".
Thúy Quỳnh