Ngày 17/4, TAND TP HCM tuyên phạt bà Soan, 50 tuổi, mức án 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc hoàn trả tiền chiếm đoạt 3,2 triệu USD cho bị hại; tiếp tục kê biên 3 bất động sản, xem 20 tỷ đồng chị ruột bị cáo nộp là tiền khắc phục hậu quả.
Theo HĐXX, hành vi của Soan là đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt tiền của 3 cá nhân, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự... nên được giảm nhẹ một phần hình phạt.
Ngoài ra, tòa cũng kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi của những người liên quan để tránh bỏ lọt tội phạm.
Trước đó, trong phần tranh luận, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố, cho rằng hành vi của bà Soan đã cấu thành tội lừa đảo, chiếm đoạt 3,2 triệu USD của ông John Koon (người Hoa, quốc tịch Australia, nhà môi giới đầu tư về các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, bia và khoáng sản tại Việt Nam) khi hợp tác đầu tư mua cổ phần.
Quá trình xét xử, bị cáo không thành khẩn khai báo, không nhận tội, không đồng ý xem 20 tỷ đồng mà chị ruột đã nộp trước đó là tiền khắc phục hậu quả, nên không xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ. Từ đó, VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Soan mức án 18-20 năm tù.
'3,2 triệu USD là tiền thực hiện dự án khác'
Tự bào chữa, bà Soan lặp lại nội dung đã trình bày trong phần xét hỏi, cho rằng không lừa đảo ông John Koon. Bị cáo nói hoàn toàn không có thỏa thuận miệng với ông này như cáo buộc; việc John Koon chuyển tiền là có thật nhưng không phải dùng để mua mỏ titan Sao Mai và yêu cầu ông này phải chứng minh số tiền này thật sự là của mình.
Nói sau cùng, bà Soan thỉnh thoảng nghẹn giọng, cho biết khi bị bắt đã từng tuyệt vọng nhưng những lần tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung đã cho bà hy vọng về một phiên tòa công tâm. "Dù hôm nay đứng đây, tòa có tuyên như thế nào thì bị cáo cũng tin vào công lý", bà Soan nói và gửi lời cảm ơn đến HĐXX.
Bào chữa cho bà Soan, các luật sư cho rằng thân chủ không phạm tội; 3,2 triệu USD bà Soan nhận từ ông John Koon là tiền thực hiện dự án khác. Bị cáo và ông John Koon đều là những người môi giới, trung gian mua bán từ rất lâu, ở rất nhiều dự án - thể hiện rất rõ trong tố cáo của ông John Koon. Việc VKS xác định 8 lần chuyển tiền (3,2 triệu USD) cho bà Soan là "dùng để mua mỏ Sao Mai" là thiếu cơ sở.
Ngoài ra, nguồn gốc số tiền này, theo luật sư, chưa thể chứng minh đó là tiền của ông John Koon bởi có thể là của các nhà đầu tư khác chuyển cho bà Soan để thực hiện nhiều dự án khác.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông John Koon, luật sư đồng quan điểm với VKS, đồng thời đề nghị HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường thêm tiền lãi đối với số tiền 3,2 triệu USD đã chiếm đoạt tính đến thời điểm này. Theo tính toán của các luật sư, số tiền tính lãi là 10% mỗi năm, nên bị cáo phải bồi thường hơn 70 tỷ đồng tiền lãi. Tổng cộng, bà Soan phải bồi thường cho ông John Koon 146 tỷ đồng.
Được hỏi ý kiến, thông qua phiên dịch, ông John Koon cho biết đồng ý với quan điểm của luật sư bảo vệ mình. Ông nói, suốt phiên tòa, ông hiểu là mọi người nhắc đến ông là "người môi giới", "tiền này của các nhà đầu tư chứ không phải của ông". "Tại sao tôi không thể vừa môi giới, vừa đầu tư?", ông John Koon đặt vấn đề, thêm rằng thực chất số tiền này của ông và đã chứng minh thông qua một số giấy tờ, tài liệu cung cấp cho cơ quan điều tra trước đó.
Bà Soan được biết đến là chủ nhiều doanh nghiệp lớn, thông thạo tiếng Anh, tiếng Hoa, từng nhiều năm làm môi giới cho các công ty nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại tỉnh Bình Thuận và một số địa phương. Từ năm 2010 đến 2017, bà Soan đã môi giới và hợp tác môi giới cùng ông Koon thực hiện nhiều giao dịch mua bán mỏ, mua bán cổ phần các công ty. Tổng cộng, hai bên đã hợp tác đầu tư nhiều dự án có giá trị lên đến hàng chục triệu USD.
Trong đó, khoảng tháng 4/2013, bà Soan đề nghị ông John Koon mua mỏ titan 360 ha tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận của Công ty cổ phần Khoáng sản và Thương Mại Sao Mai (Công ty Sao Mai). Trong quá trình thực hiện việc mua cổ phần mỏ Sao Mai, ông Koon thống nhất với Soan chuyển nhượng mỏ Sao Mai cho Công ty Yue Da với giá 34 triệu USD và Soan đã nhận của Công ty Yue Da tiền đặt cọc 7 triệu USD.
Ngày 17/6/2014, Soan thành lập Công ty Thiên Bình gồm hai thành viên góp vốn là Soan (95% vốn điều lệ, Giám đốc Công ty, người đại diện theo pháp luật) và ông Lê Quốc Sơn (chồng của Soan) góp 5%. Bị cáo sử dụng pháp nhân Công ty Thiên Bình mua được 100% cổ phần Công ty Sao Mai, sau đó chuyển nhượng 60% cổ phần từ công ty này sang một công ty của Jonh Koon.
VKS xác định, Soan sau đó giả chữ ký, làm thủ tục chuyển nhượng phần góp vốn trên cho mình và mẹ ruột, chiếm đoạt của ông Jonh Koon 2,85 triệu USD. Tiếp đó, bị cáo yêu cầu ông Jonh Koon chuyển thêm 350.000 USD để "xin giấy phép khai thác mỏ Sao Mai". Tuy nhiên, bà Soan đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Công ty Sao Mai cho 3 cá nhân lấy 50 tỷ đồng, chiếm đoạt 3,2 triệu USD (tương đương hơn 67 tỷ đồng) ông Koon.
Kết thúc phiên tòa, bà Trương Thị Kim Soan đề nghị các luật sư kháng cáo toàn bộ bản án.
Quốc Thắng