"Khi tôi sinh ra đất nước còn nghèo
Tôi luôn ước mơ nguồn điện tương lai
Xóa hết mồ hôi trưa hè nhọc nhằn
Sưởi ấm tình người giá rét những đêm đông".
Có lần nghe câu hát này khi tôi đang đi trên con đường làng và tôi quay sang đứa bạn hỏi nó: "Mày có biết điện ở làng mình từ đâu đến không?" Nó cười rồi lắc đầu. Câu hỏi vu vơ ấy đưa tôi đến suy nghĩ rằng có mấy ai ở làng mình biết được mấy cây cột điện cao thế ngoài ruộng kia từ đâu đến đâu. Rồi tối hôm ấy mất điện các bác trong xóm sang nhà tôi chơi, bác ấy có nhắc đến chuyện sao dạo này không hay mất điện như xưa nhỉ? Phải lâu lắm rồi mới mất điện. Câu nói ấy đưa tôi trở về với tôi của nhiều năm về trước.
Tôi sinh ra ở một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Hải Dương, khi còn ở cái tuổi chăn trâu, tối đến, nhà nào trong làng cũng sáng điện nhưng hồi ấy hay mất điện lắm, trẻ con như chúng tôi thì buồn ra mặt vì không được xem tivi, quạt điện không chạy được. Câu nói "có điện rồi" vẫn đọng nguyên trong ký ức tôi khi một người trong xóm hô lên khi có điện, cảm xúc ấy đến lúc này vẫn còn nguyên vẹn, cái cảm giác có điện ấy mới tuyệt vời làm sao.
Hồi ấy đến tận bây giờ, mẹ tôi vẫn giữ thói quen tiết kiệm điện, tôi không nhớ mình bị mẹ mắng bao nhiêu lần vì thói quen đi đâu bật điện đến ấy rồi bỏ đi không tắt. Mãi sau này lớn lên đi học đại học, tôi mới biết đến khái niệm "tiết kiệm năng lượng" chứ hồi đó chỉ là suy nghĩ của một đứa con nít, đơn giản chỉ là tắt đi cho tiết kiệm tiền, mẹ mình dặn như vậy. Thái độ sử dụng năng lượng ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta.
Nếu sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, chúng ta không những góp phần vào bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo nhu cầu năng lượng cho tương lai, cho con cháu sau này. Và có lẽ bác hàng xóm cũng không biết bao nhiêu năm qua Điện lực đã nỗ lực từng ngày để cải thiện chất lượng điện năng, nâng cấp lưới điện. Không bao nhiêu công sức, mồ hôi và tâm huyết đã bỏ vào dòng điện, dòng điện cứ thế vượt qua sông qua núi, trải qua nắng mưa để có ngày hôm nay.
Tôi có một người bác làm thợ điện, dù nắng hay mưa bác đều đi trực trên công ty, những ngày nắng nóng điện dùng quá tải bác ở lại công ty đến gần sáng hôm sau mới về. Tôi có hỏi bác sao phải làm nhiều giờ như vậy, bác có trả lời rằng đó là trách nhiệm và là tình yêu nghề điện. Lúc ấy ta mới càng thấy trân trọng nghề điện làm sao.
Đất nước ta đang thay da đổi thịt từng ngày, điện năng đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới ấy, các ngành công nghiệp, nông nghiệp đều cần điện như thức ăn hàng ngày để nuôi sống khát vọng vươn ra thế giới. Người dân cần điện năng để sinh hoạt, thành phố cần điện để duy trì hoạt động, hãy nhắm mắt lại tưởng tượng một ngày chúng ta không có điện thôi thì sẽ ra sao? Lúc đó ta mới thấy điện năng quan trọng đến nhường nào.
Chúng ta không thể không nhắc đến những vùng xa xôi như hải đảo, miền núi... Sẽ hạnh phúc biết bao nếu ta nhìn thấy nụ cười người dân nơi đây nhìn thấy lưới điện quốc gia về với làng bản, về với biết bao người con Việt Nam đang khát khao nguồn điện, nguồn năng lượng của cuộc sống. Nụ cười ấy có lẽ là nụ cười đẹp nhất đối với những người làm điện khi đôi bàn tay chai sạn ấy có thể mang hơi thở mới cho người dân nơi đây.
Lúc đó, tôi mới chợt nhận ra rằng vẻ đẹp năng lượng điện Việt Nam không chỉ cảm nhận bằng mắt mà còn phải cảm nhận bằng trái tim, bằng tâm hồn người Việt.
Cuộc thi "Vẻ đẹp Năng lượng Việt Nam" do Báo điện tử VnExpress, Công ty Schneider Electric Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) tổ chức từ ngày 29/7 đến ngày 2/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Tác phẩm dự thi có thể là bài viết, chùm ảnh sáng tác hoặc video clip thể hiện suy nghĩ, chia sẻ về sự phát triển, vẻ đẹp của các công trình điện, điện năng trong cuộc sống; kỷ niệm hoặc kỷ vật liên quan đến công trình biểu tượng này... Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Đào Văn Kiền