Sáng 4/2 (26 tháng chạp) trong giá rét 12 độ C của Hà Nội, hàng trăm công nhân KCN Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) chờ xe đưa về quê ăn Tết trong chương trình "Đại gia đình cảm ơn người phụ nữ của năm". Người bế con, người ôm túi quà, ai nấy háo hức xen lẫn vẻ bồn chồn vì sắp được sum họp bên gia đình sau một năm xa quê làm lụng vất vả.
Chị Vũ Thị Hồi (30 tuổi) tranh thủ tô lại son chống nẻ cho con gái nhỏ. Hai mẹ con về Ninh Bình trước, còn chồng ở lại trực Tết đến mùng 2 mới được về. Vợ chồng cùng quê, hai nhà cách nhau hơn 3 km nên chị Hồi không phải lo ăn Tết ở quê nội hay quê ngoại. Chị chia sẻ, lương lẫn thưởng cuối năm được hơn chục triệu đồng, vừa đủ cho gia đình có một cái Tết tươm tất. Chị đã mua một ít bánh kẹo về về cúng gia tiên, mua ít đèn nhấp nháy về trang trí trong nhà, pháo bông về đốt tối giao thừa và lì xì cho các cháu.

Chị Hồi tranh thủ tô lại son chống nẻ cho con gái trong lúc chờ xe về quê. Ảnh: Hoàng Phương.
"Mình còn thiếu thốn thì ăn Tết theo cách riêng. Cũng may là năm vừa rồi, công ty may làm ăn ổn định nên thưởng Tết được hơn một tháng lương. Cuối năm đọc tin tức thấy nhiều nơi công nhân bị nghỉ việc hoặc không có thưởng Tết mà lo", chị nói.
Dù đã có gia đình, đi làm cả năm vất vả nhưng chị vẫn thấy háo hức mỗi dịp Tết về. "Thấy mọi người nô nức về quê khiến mình bồn chồn như có lửa đốt trong lòng. Đêm qua còn hồi hộp đến hơn 2h sáng mới ngủ được", chị nói và tâm sự, đời công nhân vất vả, chỉ biết có nhà trọ với nhà máy, ít đi chơi xa, ít được nghỉ ngơi theo ý mình nên chỉ mong ngày Tết để về quê. Dù có gia đình, con cái, phải lo đi Tết hai bên nội ngoại nhưng chị không thấy mệt, không thấy chán vì được ở cạnh người thân, gắn kết tình cảm gia đình.
Tay dắt con trai, tay bế con gái, hành trang về quê ngoại ăn Tết của ba mẹ con chị Lê Thị Minh (31 tuổi) chỉ vỏn vẹn túi hành lý và túi quà cho bố mẹ. Chị Minh quê ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) lấy chồng ở Long Biên. Mấy năm nay, anh chị bàn tính ăn Tết đằng nội ngoại mỗi năm một nơi. Chồng chị trực điện công trình nên ra Tết mới về nhà vợ. Tiền lương thưởng cuối năm nhận được, chị gửi mẹ chồng một ít sắm Tết, còn mang về quê ít bánh kẹo.
"Thu nhập của hai vợ chồng hơn 10 triệu mỗi tháng nên phải chi tiêu tiết kiệm vào những ngày này", chị nói.
Với nhiều nữ công nhân, Tết đến mang theo áp lực khi về quê ai cũng hỏi "Khi nào lấy chồng?". Lê Thị Hà (28 tuổi), quê Hà Tĩnh chia sẻ bị gia đình giục lấy chồng từ mấy năm nay. Trong mỗi cuộc điện thoại nói chuyện với con gái, bố mẹ cô nhắc liên tục "đến tuổi rồi, đừng kén chọn nữa".

Nụ cười của nữ công nhân chào người ở lại lúc chuẩn bị lên xe. Ảnh: Hoàng Phương.
Hà bảo cô không kén chọn mà công việc không có thời gian để tìm hiểu cũng như gặp gỡ bạn bè. Hà làm công nhân may đã 6 năm, đi làm suốt cả tuần từ 7h sáng đến 17h chiều. Cả ngày mệt, tối về cô chỉ muốn đi ngủ, còn thời gian đâu mà hò hẹn. Phòng trọ của Hà ở tận Lò Đúc, cách công ty hơn 15 km. Cùng trọ với Hà có hai người nữa đều hơn 30 tuổi, làm công nhân và chưa lập gia đình.
"Nhiều lúc em cũng chạnh lòng, nhưng vì mưu sinh nên không làm khác được. Chắc em cũng không thể làm công nhân mãi", Hà tâm sự và cho biết ở quê, các bạn bằng tuổi cô giờ đã có con đi học lớp 1.
Mới ngoài 20 tuổi nhưng Lê Thị Hương (quê Thanh Hóa) cũng bị bố mẹ giục lấy chồng với lý do không đi học nữa thì nên ổn định sớm. Bạn bè Hương nhiều người đi làm công nhân một thời gian rồi cũng tính chuyện cưới xin vì sợ quanh năm làm việc trong nhà máy, không có thời gian gặp gỡ, tìm hiểu người khác phái. Hương tính đi làm vài năm nữa rồi mới nghĩ đến chuyện lấy chồng.
Làm công nhân may được hơn một năm, lương thưởng cuối năm của Hương tổng cộng được gần 8 triệu đồng. Cô tính về nhà sẽ đưa cho mẹ một ít để sắm Tết, mua cho các cháu mấy bộ đồ mới, tiêu pha linh tinh là hết. Hương kể đây là năm thứ hai xa nhà nhưng vẫn hồi hộp khi sắp được về nhà. Đêm qua em còn không ngủ được khiến buổi sáng dậy muộn. "Tối nay là được ngủ ở nhà với mẹ rồi", Hương nói.
"Thấy mọi người về nhà hết rồi mình cũng chỉ muốn về nhà thật nhanh thôi. Bước chân xuống xe là được về với mẹ. Khi đó, em chẳng còn nghĩ gì đến lo toan, vất vả hàng ngày", Nguyễn Thị Trang (22 tuổi) tâm sự. Gần 19h đêm qua, Trang mới xong ca làm việc cuối cùng của năm Ất Mùi, vội đi mua ít bánh kẹo rồi sắp xếp đồ đạc về quê. Hỏi về mong ước đầu năm mới, Trang bảo trước mong bố mẹ mạnh khỏe, sau là công ty phát triển đều đều, có nhiều đơn hàng. Có như vậy thì công nhân mới có việc ổn định, không lo bị sa thải hay cắt việc.
Đến giờ, ai nấy háo hức bước lên xe. Trong cốp chứa đầy hành lý còn những bó hoa ly, hộp bánh kẹo, mứt Tết theo người công nhân về nhà. Ai nấy vẫy tay chào tạm biệt đồng nghiệp với lời nhắn nhủ "Về vui vẻ, ra Tết nhớ mang bánh chưng theo". Những chuyến xe lăn bánh, bỏ lại Hà Nội với những lo toan trong cuộc sống mưu sinh, đưa những người xa quê trở về nhà.
Ảnh: Công nhân háo hức về quê ăn Tết
1.600 suất quà cùng vé xe miễn phí được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cùng nhà tài trợ tặng cho các nữ công nhân trong chương trình 'Đại gia đình cảm ơn người phụ nữ của năm'. Những chuyến xe xuất phát từ 4 tỉnh thành là Hà Nội, Hưng Yên, TP HCM và Bình Dương đưa nữ công nhân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau về quê ăn Tết. Tại các điểm này, Hội các tỉnh cũng sẽ tổ chức đội hình thanh niên tình nguyện hướng dẫn các công nhân nữ về quê thuận tiện nhất. |
Hoàng Phương