Nhắc đến Emily Howell Warner, người ta phải nói đến rất nhiều "cái đầu tiên", và lần đầu tiên nào của bà cũng khiến không ít người ngưỡng mộ. Bà là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới ký hợp đồng dài hạn để lái máy bay chở khách cho một hãng bay lớn ở Mỹ vào năm 1973. Khi đó, bà mới 33 tuổi.
Warner cũng được biết đến là nữ cơ trưởng đầu tiên của hàng không Mỹ và là thành viên nữ đầu tiên của Hiệp hội các Phi công Hàng không. Warner còn là người chỉ huy trên chuyến bay thương mại đầu tiên mà tổ bay toàn nữ vào năm 1986.
Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1957, Warner mơ ước trở thành tiếp viên hàng không giống như một người họ hàng của mình. Nhưng rồi cô nhận ra mình quá trẻ để nộp đơn ứng cử khi đó.
Trong một chuyến bay vắng khách tới thành phố Denver, Warner được mời lên buồng lái của chiếc Douglas DC-3 (thuộc hãng Boeing), cô nhanh chóng bị mê hoặc bởi bảng điều khiển máy bay và tầm nhìn tuyệt đẹp qua kính chắn gió. "Phi công hôm ấy có thể thấy tôi đã phấn khích đến mức nào. Và anh ấy đã khuyến khích tôi tham gia vào các khóa đào tạo bay. Khi đó tôi đã hỏi một cô gái có thể học lái máy bay không nhỉ?", Warner trả lời phỏng vấn trên Denver Post vào năm 2012.
Để đủ tiền trả cho việc học bay lên đến 12,75 USD một giờ khi đó, Warner nghỉ công việc bán hàng có lương là 38 USD một tuần và trở thành lễ tân cho trường dạy bay Clinton Aviation Pilot ở Stapleton Airfield (sau này chính là sân bay quốc tế Stapleton, đóng cửa tháng 2/1995) tại Denver. Một năm sau, Warner lấy được bằng phi công và nhanh chóng tích lũy hơn 7.000 giờ bay trong vị trí phi công và người hướng dẫn.
Đến năm 1967, bà trở thành giám khảo đánh giá năng lực của các phi công nam mới được hãng bay thuê - đây đều là những người có ít kinh nghiệm bay hơn Warner. Cuối những năm 1960, bà bắt đầu ứng tuyển vào vị trí phi công cho các hãng bay thương mại nhưng liên tục bị từ chối. Hãng bay đầu tiên thuê bà là Frontier và cũng tại đây, bà thực hiện chuyến bay đầu tiên với tư cách phi công thương mại vào năm 1973.
Vào ngày 29/1/1973, Emily Warner ngồi đối diện Phó chủ tịch của Frontier Airlines. Kết thúc cuộc phỏng vấn xin việc, ông hỏi bà sẽ mặc gì khi ngồi trên buồng lái, vì hãng lúc bấy giờ không có đồng phục phi công nữ. Khi đó, Warner chỉ cảm thấy vui sướng tột độ vì biết rằng đã vượt qua vòng phỏng vấn. Bà không hề biết rằng, bộ đồng phục của mình sau này vô cùng nổi tiếng.
Khi Warner kết thúc hành trình bay đến Las Vegas từ Denver cùng năm, bà đã nhận được một bó hoa với ba màu đỏ, trắng và xanh da trời. Tác giả của bó hoa là Turi Wideror, nữ phi công đầu tiên trên thế giới làm việc cho một hãng bay thương mại lớn ở phương Tây. Cô là phi công người Na Uy, làm việc cho Scandinavian Airlines System (SAS - hãng hàng không của Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển) từ năm 1969.
Một năm sau, bà trở thành phi công toàn thời gian cho hãng. Năm 1976, bà trở thành nữ cơ trưởng đầu tiên của một hãng bay thương mại Mỹ, khi trực tiếp cầm lái chiếc De Havilland Canada DHC-6 Twin Otter. Sau đó, Warner lái những chiếc lớn hơn như Convair 580 và Boeing 737.
Trong những ngày đầu đi làm với tư cách là phi công, Warner gặp một số vấn đề như phần lớn khu vực dành cho tổ bay không có nhà vệ sinh nữ, các đồng nghiệp nam chào đón bà với hoài nghi. Trong một chuyến bay khi còn là cơ phó, bà đã giơ tay ra để bắt tay chào hỏi cơ trưởng trên chuyến bay. Nhưng người này không bắt tay bà và chỉ nói: "Đừng chạm vào bất kỳ thứ gì trên máy bay". Warner tâm sự trong một buổi phỏng vấn năm 2002: "Mọi người đều đang nhìn chằm chằm vào tôi, và chờ đợi tôi mắc lỗi". Trên tạp chí Air Line Pilot năm 2000, Warner cũng nói: "Máy bay đâu có biết bạn là nam hay nữ".
Đến năm 1990, bà trở thành thanh tra của Cục hàng không liên bang có trụ sở tại Denver. Năm 2002, bà nghỉ hưu và viết sách về hàng không. Khi được hỏi về việc muốn được giới thiệu như thế nào về mình, bà nói: "Giới thiệu tôi: phi công là ổn rồi".
Ngày 3/7, Emily Howell Warner trút hơi thở cuối cùng tại viện dưỡng lão ở Littleton, Colorado ở tuổi 80, do biến chứng của căn bệnh Alzheimer và hậu quả của việc bị ngã hai ngày trước. Đó cũng là ngày những người yêu máy bay trên thế giới bày tỏ sự tiếc thương và thành kính đối với một nhân vật lẫy lừng, huyền thoại của ngành hàng không.
Ngày nay, du khách có thể tìm thấy bộ đồng phục của Warner tại bảo tàng Smithsonian National Air & Space tại thủ đô Washington. Bảo tàng được thành lập vào năm 1946 với tên gọi ban đầu là National Air Museum (bảo tàng Hàng không Quốc gia).
Bảo tàng trưng bày máy bay, tàu vũ trụ, tên lửa và các đồ tạo tác liên quan đến hàng không. Thậm chí nơi đây có cả nhà hát IMAX dành cho những du khách muốn trốn thoát khỏi thế giới xô bồ hiện tại.
Vé vào cửa miễn phí, thời gian mở cửa từ 10h đến 17h30 hàng ngày trong năm, ngoại trừ dịp Giáng sinh (25/12).
Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, bảo tàng tạm đóng cửa, mọi tour hướng dẫn du khách tham quan bảo toàn đều bị hủy.
Ai là người hạnh phúc nhất trên mỗi chuyến bay?
Anh Minh (Theo New York Times)