John phát hiện thi thể của Sherri Rasmussen, nữ y tá 29 tuổi anh mới kết hôn được ba tháng, tại nhà riêng vào lúc 17h55 ngày 24/2/1986. Trước đó John có dự cảm chẳng lành khi thấy cửa gara để mở, chiếc BMW mua làm quà đính hôn cho vợ không còn, trong khi sáng nay cô xin nghỉ ốm ở nhà.
Cả phòng khách bị biến thành một đống đổ vỡ, khắp sàn rơi vãi mảnh vỡ của chiếc bình gốm. Kệ tivi treo tường gần như đổ sập, ngăn kéo tủ cùng đồ đạc bên trong bị lôi hết ra ngoài. Gần thi thể Sherri Rasmussen là tấm chăn nhàu nhĩ có dấu vết của muội thuốc súng.
Nạn nhân tử vong do trúng ba viên đạn vào ngực, viên đầu tiên được bắn với nòng súng dí, hai viên tiếp theo là khi nạn nhân đã gục trên sàn. Mặt bị nhiều vết thương có vẻ như do báng súng gây ra, trên cẳng tay trái có vết cắn.
Cảnh sát thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ) nhận định đây là vụ cướp tài sản. Kẻ cướp bị chủ nhà phát hiện nên hai bên xảy ra cuộc vật lộn dữ dội. Nhiều bằng chứng cho thấy kẻ trộm đã lấy lọ hoa đập vào đầu nạn nhân rồi dùng chăn cuốn quanh nòng súng để giảm thanh khi bắn. Vì hoảng loạn, kẻ cướp lấy xe bỏ chạy, không màng tới số trang sức trong nhà dù ở vị trí dễ thấy.
Một tuần sau vụ án, chiếc BMW được cảnh sát tìm thấy gần hiện trường nhưng không cung cấp thêm manh mối gì.
Cuối năm đó, vụ án của Sherri trở thành một trong 293 án mạng chưa có lời giải của Phòng cảnh sát thành phố Los Angeles.
Tới tháng 2/2009, tỉ lệ tội phạm tại Los Angeles giảm xuống đáng kể. Phòng cảnh sát thành phố khi ấy bắt đầu lật lại hồ sơ những vụ án nguội (vụ án chưa có lời giải), trong đó có án mạng của Sherri. Qua hồ sơ vụ án, điều tra viên lần này thấy bất thường vì tại sao tên cướp bắn thêm hai phát sau viên đạn chí tử đầu tiên. Dường như ẩn chứa sau đó là sự thù hận, không đơn thuần là muốn cướp tài sản.
Số thiết bị chơi nhạc xếp chồng trên đầu cầu thang vẫn ngay ngắn, dù đây vốn được cho là nơi hai bên vật lộn qua lại. Trên cùng chồng thiết bị này, một chiếc máy quay đĩa có dính máu in thành hình đầu ngón tay nhưng không để lại dấu vân, có vẻ như chủ nhân của nó đã đeo găng khi tiếp xúc. Như vậy nhiều khả năng có người đã cố ý xếp lại chồng thiết bị, không giống với kẻ cướp phải vội bỏ chạy.
Ngoài ra, với công nghệ ADN, thanh tra phụ trách phát hiện điều tra viên ban đầu đã đi sai hướng khi tập trung vào hai gã đàn ông vì ADN từ vết cắn trên tay nạn nhân thuộc về phụ nữ. Sau khi rà soát những người có động cơ gây án, điều tra viên lọc ra hai nữ nghi can gồm nữ đồng nghiệp thường cãi cọ với Sherri và bạn gái cũ của chồng nạn nhân tên Stephanie Lazarus. Thanh tra cảnh sát thấy rằng cái tên Stephanie đã được bố nạn nhân đề cập trong cuộc điều tra ban đầu nhưng sau đó bị gạt đi.
Qua tìm hiểu, điều tra viên được biết hồi còn sinh viên, Stephanie từng hẹn hò với John. Tới năm 1985, John trở nên thân thiết với Sherri và cả hai kết hôn vào tháng 11 năm đó. Vì chuyện này, Stephanie rất buồn bã và từng gặp mặt to tiếng với Sherri. Ít lâu sau thì án mạng xảy ra.
Khi ấy, Stephanie đang là cảnh sát viên thuộc phòng cảnh sát Los Angeles. Tới năm 1993, chị ta được bổ nhiệm làm thanh tra chuyên về tội phạm trộm cắp tác phẩm nghệ thuật sau khi lập công lớn. Stephanie lấy chồng cùng phòng cảnh sát và từ đó tới nay chưa bao giờ vướng vào scandal.
Điều tra viên lại tiếp tục tìm ra một số thông tin mới. Nạn nhân bị giết bằng đạn tiêu chuẩn mà cảnh sát Mỹ sử dụng trước năm 1990. Trong khi đó, 13 ngày sau án mạng, Stephanie báo mất trộm khẩu súng ngắn dự phòng loại ổ xoay, cỡ đạn trùng với kích thước viên đạn giết hại Sherri. Ngày án mạng xảy ra cũng là ngày Stephanie xin nghỉ ở nhà.
Sau khi bí mật thu thập ADN của hai nữ nghi can, kết quả đối chiếu loại trừ nghi can y tá và trùng khớp với Stephanie.
Có đủ căn cứ bắt giữ Stephanie nhưng điều tra viên không thể tùy tiện vì Stephanie có thể dùng súng chống trả. Bản thân nữ nghi can cũng là thanh tra, am hiểu kỹ thuật thẩm vấn nên chắc chắn chị ta sẽ dùng quyền im lặng để cản trở cuộc điều tra nếu bị bắt.
Cuối cùng, điều tra viên chọn địa điểm thẩm vấn trong phòng tạm giam ngay tại nơi làm việc vì ai vào đây cũng phải giao nộp súng. Họ sẽ mời Stephanie vào phòng với lý do nhờ giúp thẩm vấn nghi phạm trong vụ trộm tranh. Cuộc trao đổi sẽ được camera giấu kín quay lại.
Ngày 5/6/2009, Stephanie bước vào phòng thẩm vấn, tự tin rằng mình sẽ là người đặt câu hỏi cho nghi phạm. Nhưng khi Stephanie bước vào phòng, điều tra viên lập tức dỡ bỏ vỏ bọc về vụ trộm tranh mà giải thích rằng John đang liên quan tới án hình sự nên họ muốn xác thực một vài thông tin với Stephanie vì biết hai người quen nhau. Sở dĩ điều tra viên phải "mời" Stephanie xuống đây là vì biết bà ta đã có chồng, sợ bị đồng nghiệp đàm tiếu.
Trước suy nghĩ "thấu đáo" của đồng nghiệp, Stephanie có vẻ không ngại tiếp tục cuộc trao đổi và khá hợp tác khi trả lời câu hỏi. Trong cuộc nói chuyện, điều tra viên dần dồn Stephanie vào thế bí và phát hiện nhiều điểm sơ hở trong lời khai của Stephanie, ví dụ như nghi phạm không thành thật khai báo mối quan hệ với John, đồng thời chối có to tiếng giữa mình và nạn nhân.
Cuối cùng, Stephanie cũng lờ mờ nhận ra vấn đề khi bị yêu cầu mẫu ADN. Bà ta cố ra khỏi phòng thẩm vấn nhưng chưa được nửa đường thì bị đọc lệnh bắt giữ. Ba ngày sau, Stephanie bị khởi tố tội Giết người cấp độ I.
Khám nhà Stephanie, cảnh sát tìm thấy cuốn nhật ký từ giữa thập niên 1980, trong đó đề cập tới tình yêu Stephanie dành cho John, cũng như sự tuyệt vọng khi biết tin John đính hôn với người khác (nhưng không đề cập chút gì tới việc bị trộm súng).
Với bằng chứng chủ chốt là ADN trong vết cắn trên thi thể, Stephanie bị bồi thẩm đoàn kết tội Giết người cấp độ I vào tháng 3/2012, 26 năm sau vụ án mạng.
Hiện, Stephanie chấp hành bản án 27 năm tù tại nhà tù cho phụ nữ thuộc thành phố Corona, bang California. Bà ta sẽ có cơ hội xin ân xá vào năm 2039 ở tuổi 79.
Quốc Đạt (Theo Los Angels Magazine, The Atlantic)